Trải qua 2-3 thời kỳ ở nhà vì giãn cách xã hội, tôi nhận ra mình có một nỗi ám ảnh với Sự Năng Suất. 

Tôi sẽ gọi tắt Sự Năng Suất là Su. Su là một người bạn tốt, của tất cả mọi người, ít nhất là trên lý thuyết. Su giúp chúng ta đạt được những mong muốn và thành công trong cuộc sống, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và trăm nghìn lý do khác mà chắc là ai cũng biết. 

Có hàng triệu video và cuốn sách nói về Su, về cách kết bạn với Su, cách đi ngủ cũng mơ thấy Su. Nhưng chẳng mấy ai nói về cách tránh phụ thuộc vào Su. 

Nên hôm nay, tôi sẽ nói.

1.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trước hết, tôi xin cảm ơn Su, rất nhiều. Vì những quãng thời gian giãn cách nói riêng và cả chặng đường dài nói chung. 

Thời gian giãn cách vì covid đầu tiên, theo trí nhớ của tôi, là khoảng tháng 3 năm 2020. Những ngày đó tôi đang ở quê, rất bình tĩnh, rất nhẹ nhàng. Những thứ tiêu biểu Su giúp tôi hoàn thành thời gian đó là làm xong luận văn tốt nghiệp, ôn thi Ielts, học làm bánh. Mỗi ngày trôi qua đều rất “Su”, rất vui mừng, rất tích cực. 

Được đà, tôi đều tìm đến Su mỗi lần giãn cách hoặc ở nhà. Kể cả quãng thời gian đi làm, tôi vẫn mải miết nhờ cậy vào Su để làm cuộc sống ý nghĩa hơn. Đi làm 8 tiếng về, tôi tự nấu ăn một mình, học online thứ này thứ kia, tham gia CLB, đọc và ghi chép cẩn thận. 

Mỗi ngày trôi qua tôi đều học, tiếp thu kiến thức, cố gắng vận dụng vào cuộc sống. Phấn chấn và tích cực, có thể nói là như vậy.

2.

Cho đến một ngày, tôi nhận ra mình rất mệt mỏi. Nhưng Su không cho phép tôi nghỉ ngơi. Đổ lỗi cho Su, nhưng thực chất chỉ là tôi tự tránh việc trách mình. 

Một số cách thức giải trí như đọc sách, vẽ, xem phim, bỗng một ngày cũng hoá thành nhiệm vụ. Nếu tôi không vẽ được chừng này bức, phủ kín bức tường phòng học, thì…. Nếu tôi không đọc xong cuốn sách này trong mấy ngày, thì… Một cách vô thức, tôi tự ràng buộc chính mình. 

Khi không làm xong những “nhiệm vụ” đó, tôi thấy mất năng suất. Tôi lo sợ Su tuột khỏi mình, để mọi thứ buông thả, trôi tuột hết công sức bao lâu. 

Tôi buồn rầu và chán nản với bản thân vào những “lazy day” mà không hề nghĩ rằng sự năng suất quá mức có thể khiến tôi bị “toxic productivity” – sự năng suất độc hại. Bỗng một ngày, Su hoá thành một người bạn xấu. 

Đã có nghiên cứu cho thấy việc rơi vào năng suất độc hại rất phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Bởi chúng ta bỗng có nhiều thời gian hơn bình thường, mất phương hướng, việc có thứ để làm đưa lại tấm khiên mang cảm giác an toàn.

3.

Lần giãn cách thứ…, tôi không còn đếm. Chỉ biết là đã ở nhà khoảng 6 tuần. Tôi đã vượt qua những ngày cố gồng mình tích cực, những ngày bất cần, những ngày nhớ sự thoải mái, nhớ cảm giác bình thường đến khủng khiếp. Nhưng trên hết, tôi tìm ra cách làm một người bạn tốt cùng Su. 

Su vẫn cùng tôi đặt ra rất nhiều nhiệm vụ: sẵn sàng cho một cuộc sống sắp tới sau mùa dịch, học vài thứ mới như tiếng TBN, ngôn ngữ ký hiệu, tham gia một khoá học về phúc lợi động vật,… 

Không còn căng thẳng chạy deadline đến 3h sáng (dù có vài hôm vẫn chạy) và nằm khóc trong áp lực. Đặt hai khung giờ làm việc và học trong ngày, dùng app Forest để tập trung và căn giờ. Su ở đó, một cách rất vui vẻ. 

Không có gì bùng nổ hay một thành tựu tuyệt diệu nào trong thời gian này, nhưng tôi rất yên lòng với bản thân mình. Chẳng phải sau tất cả, đó là những gì quan trọng nhất hay sao?  Tôi vẫn đọc sách, xem phim, vẽ và viết lách, nhưng chỉ bao giờ tôi muốn. Vốn dĩ đó là điều làm tôi vui vẻ, sao lại phải làm nó trở nên mệt mỏi? 

Có những ngày tôi tách mình khỏi Su, không hề làm việc, không hề học bài. Tôi nói với Su rằng tôi đọc ở đâu đó câu này: “You don’t have to achieve something everyday. It’s fine, If all you did today was rest.” Và Su hoàn toàn đồng ý. 

Đó là những ngày tôi chỉ muốn nằm trên giường, nghe nhạc và chìm đắm trong dòng suy nghĩ ẩm ương của mình. Tôi còn tìm ra được cách đánh lừa tâm trí, bằng cách bật điều hoà và quạt lạnh nhất, uống trà gừng, nghe bài “Thiên hà trước hiên nhà”, xem video đường đèo Mã Pí Lèng. Việc tạo ra các yếu tố cần thiết đã khiến tôi thực sự cảm thấy mình đang được sống ở Hà Giang, trong vòng 1 phút. Nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng 1 phút đó, có lúc, đã nâng đỡ tôi qua những phút yếu lòng và cô độc. 

4.

Tôi nghĩ, việc không phụ thuộc vào Su cũng quan trọng như việc có Su trong cuộc đời. Su xấu, tức sự năng suất độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần một cách âm ỉ, len lỏi giết chết từng niềm vui sót lại. 

Giới thiệu hơn dài, tôi xin được nói về cách tôi đã dùng để đồng hành cùng Su, cân bằng và tích cực. 

  • Xác định Su đang ở đâu. Đang thiếu Su hay đang quá tải Su. Chỉ khi định hình được rõ ràng thực tại, mới có giải pháp.
  • Lên kế hoạch Su rõ ràng tuỳ theo tính cách. Có người sẽ là mỗi ngày, mỗi tuần. Cũng có thể là chia nhỏ từng task lớn thành những việc nhỏ, làm từng chút một. Mỗi người sẽ có những cách sắp xếp khác nhau, nhưng hãy viết ra hoặc ghi chú lại. Đối với tôi, nhìn vào chúng khiến tôi thấy có trách nghiệm hơn. 
  • Tự thưởng cho mình những ngày vui vẻ. Một câu thần chú tôi thường tự nhắc nhở là “Chỉ cần mỗi ngày trôi qua bạn thấy hạnh phúc, ngày đó không vô ích”. Cho dù đó là một ngày chìm đắm trong bài vở hay binge-watch thâm quầng mắt, nhớ đảm bảo đó là việc bạn muốn làm. 
  • “Work smarter not harder”. Ở nhà không có máy chấm công, cũng không ai tận hưởng thành quả và cách bạn sử dụng thời gian thay bạn. Nên việc ngồi ở bàn làm việc 12 tiếng mỗi ngày nhưng mất tập trung chỉ là hình thức nguỵ tạo cho việc vắt kiệt chính mình. Tôi không nhận mình là người tập trung tốt, nhưng tôi sẽ làm xong việc cần làm, với mức thời gian cần thiết. Tôi nghĩ, đó là một kỹ năng quan trọng. 
  • Lắng nghe sức khoẻ tinh thần của mình. Xin được nói-đi-nói-lại điều mà ai cũng biết. Đó là tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé, cuộc sống sẽ tốt lên rất nhiều. Tôi sẽ viết một bài riêng về sức khoẻ tinh thần vào một lúc khác. 

Mong rằng các bạn đều có một người bạn Su vừa đủ cho riêng mình. Peace!!!!

Lê Na

46PV. 11/09/2021. HN. 16:25.  35°C.