Nhật Hạ mở to mắt, quát anh soát vé: “Đừng đụng đến tôi, karate đai đen đấy!”. Cô nghĩ thầm trong đầu “điều đen đủi thứ nhất”, không biết điều may mắn nào sẽ bù đắp cho chuyện này đây. Đó là cách cô xây dựng lên “thuyết niềm tin”, với sự lạc quan khi đón nhận một chuyện tồi tệ, bằng cách rèn luyện 2 năm nay. Cô cho rằng chuyến xe lên Hà Giang là một điều xui xẻo, bởi mùi hôi, sự rung lắc, tiếng ồn của những hành khách vô tư quá mức, và anh phụ xe có ý định sàm sỡ khi cô ngủ lại trên xe chờ trời sáng.

Nếu là 3 năm trước, hẳn cô đã chọn cách đi xe máy từ Hà Nội lên Hà Giang để thực hiện chuyến lang thang một mình trên vùng cao nguyên đá. Nhật Hạ đã từng làm như thế 2 lần. Nhưng bây giờ thì cô tự nhận thức được mình không đủ sức khoẻ và nhiệt huyết để đi như vậy. Dù mới 22 tuổi, lưng cô thường xuyên đau, tóc rụng nhiều, cô tự hỏi liệu có phải một phần lí do là những chuyến đi bốc đồng trong quá khứ không. Dù sao, để tiết kiệm sức lực và thời gian, lần này cô đi xe khách. Và chuyện xui xẻo thứ nhất đã xảy ra.

Giấc ngủ chập chờn trên xe khiến Hạ mệt mỏi. Xuống xe vào đúng 6 giờ sáng, cô đi lại những khách sạn xung quanh tìm một chiếc xe máy để thuê, sẽ phải là một chiếc xe số thật khoẻ, để đồng hành cùng cô hàng trăm km đường núi những ngày tới. Cô băn khoăn không biết nên đặt chiếc xe đến tên gì, có liên quan đến màu sắc hay đặc điểm không. Ngày xưa cô hay lái chiếc xe tên là Lạc của cô, đi Hà Giang và khắp tất cả những nơi khác. Đặt Lạc là để đi cho đúng đường, nhưng rồi lại lạc thật, cô mất xe vào một ngày ngồi chơi ở hồ. Tất cả mọi người đều để xe ở đấy, nhưng Lạc thì mất. Sau ngày Lạc bị trộm đi, cô cũng mất đi ít nhiều cảm hứng lái-chiếc-xe-của-mình đi chơi.

Hạ rùng mình vì lạnh. Nhiệt độ thành phố Hà Giang thấp hơn Hà Nội tận 10 độ C. Cô lấy áo len ra mặc, mỉm cười sung sướng vì cuối cùng thì đã cảm nhận được chút ít không khí của mùa đông. “Chiếc xe mình sắp lái sẽ tên Len!”- cô reo lên với chính mình.

Năm nay Hà Nội đã vào đông nhưng trời không rét, nắng chói chang như mùa hè. Hạ ghét bị nóng, hơn tất cả hiện tượng nào khác. Cô thắc mắc rằng tại sao người dân không nhận ra mỗi hành động thiếu trách nhiệm như đổ rác xuống sông, dùng quá nhiều đồ nhựa đã góp phần làm Hà Nội của chính họ nóng lên.

Hạ thuê được xe máy, một chiếc wave đỏ pha chút đen. Cô phóng xe vào quán bánh cuốn ăn sáng, lần thứ hai nghe câu: “Sao lại đi chơi một mình thế?”, lần đầu là của anh cho thuê xe. Cô biết rằng đó sẽ là câu cô nghe nhiều nhất chuyến đi. Mọi người thường có xu hướng thích bắt chuyện và hỏi thăm những người đi một mình. Họ nghĩ những người đi một mình sẽ bị tủi thân hoặc buồn, hoặc chỉ là sự tò mò. Nhưng thật sự thì, những người độc hành, coi đó là một đáng tận hưởng và cực kỳ thoải mái với sự yên ắng đấy.

Hạ tìm bản đồ đường lên thị trấn Đồng Văn, quãng đường 150 km cho một ngày khá nhẹ nhàng với cô. Dọc thành phố Hà Giang, mọi thứ không quá nhiều thay đổi so với lần cuối cô đến. Những ngôi nhà xếp san sát nhau dọc hai bên đường chính, cột mốc km 0 đứng cô quạnh không có du khách nào check-in, đối diện là quảng trường thành phố, nơi lần đầu tiên đến với Hà Giang, cô cùng nhóm bạn đã dừng chân nhảy múa tưng bừng vì hạnh phúc. Là ngày thứ 7 nên không có quá nhiều khách du lịch. Mọi người thường bắt đầu hành trình vào thứ 5 hoặc thứ 6. Những ngày đấy thành phố Hà Giang rộn ràng, hàng quán đông nghịt, tắc đường giờ cao điểm, không thua gì Hà Nội.

Hạ vít ga sâu hơn, rẽ qua cầu Yên Biên, đi xa dần trung tâm thành phố. Vừa qua biển báo “hết khu dân cư”, dòng sông Lô hiện ra trước mắt cô. Dòng sông xanh thẳm màu của lá già, chảy nhẹ theo gió về phía thành phố, nép mình ở giữa, một bên là núi, một bên là đường. Hai bên bờ lau mọc cao, bay phất phơ như điểm xuyết cho sự mơ mộng của dòng sông. Hạ không biết đã bao nhiêu lần cô đứng bên dòng sông này, cả ở rìa thành phố Hà Giang lẫn những nơi khác. Nhưng lần này, cô biết rằng cô đã cảm thấy một điều gì đó không giống như những lần trước.

Đó là một thứ cảm giác rất khó để diễn tả cho chính bản thân rằng mình đang cảm thấy như vậy. Hạ gạt hẳn chân chống, đứng sát lại dòng sông, tự vấn bản thân một lần nữa, rằng như vậy là thế nào? Cô nhận ra đã từng trải qua loại cảm xúc này một lần, là ở Hoàng Su Phì, một huyện phía Tây của Hà Giang, vào 2 năm trước. Rồi cô sực nhận ra: Đó là cảm giác tìm lại được ước mơ của mình, ước mơ tưởng chừng như bị lãng quên.

Người ta vẫn thường nghĩ rằng đã là ước mơ thì sẽ chẳng bao giờ bị quên cả, trừ khi người ta không còn mơ nữa. Nhưng Hạ không nghĩ vậy. Cô biết rằng người ta vẫn thường xuyên quên đi ước mơ của họ và bao biện bằng việc đó không còn là điều họ muốn. Có khi là bởi họ không thực hiện được, hoặc họ có nhiều điều cần làm hơn. Dù là gì đi nữa thì cũng khiến ước mơ đó ngày càng bé lại, nằm một góc khiêm tốn trong tâm trí và trái tim, nhưng chẳng mất đi.

Cô cũng đã nằm trong số họ. Cô quên rằng cô đã từng mơ về núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc như thế nào. Đối với Hạ, điều đó giống một giấc mơ hơn là một ước mơ. Bởi cô đã bắt đầu hiện thực hoá giấc mơ đó ngay từ lúc bắt đầu ra Hà Nội học đại học. Những chuyến đi bắt đầu xa và lâu hơn, lúc là cuối tuần, lúc là những kỳ nghỉ dài. Cô cảm thấy núi rừng chữa lành cho tâm hồn cô, giải thoát cô khỏi tất cả những điều đang đè nèn cô trong cuộc sống thường nhật. Cô yêu cảm giác lái xe và yêu những con đèo. Những lần tai nạn khiến cô quyết tâm học cách lái giỏi hơn. Cứ thế chẳng mấy chốc, cô thuộc hết các cung đường, các địa danh núi rừng ở Tây Bắc, Đông Bắc. Cô ghé qua những nơi đông đúc để hiểu rằng có điều gì thu hút họ, nhưng không ở lại lâu. Cô đến những vùng vắng vẻ và dành nhiều thời gian ở đó. Cô cắm trại trên những khu đất trống trên đèo, dưới những cầu trời sao hoặc bên cạnh những dòng sông. Có khi là cùng bạn bè, người thương, cũng có lúc một mình.

Thế nhưng bẵng đi một thời gian sau, có lẽ là hơn một năm trở lại đây. Cô không còn lái xe tìm về núi rừng nữa. Có nhiều lý do giải thích cho điều đó. Một là cô không còn Lạc – chiếc xe máy đồng hành trong mọi chuyến đi, khiến cô cảm thấy hụt hẫng đi nhiều phần. Hai là cô cần tiết kiệm tiền để làm nhiều việc khác, và để đi xa hơn, như nước ngoài chẳng hạn. Một chuyến đi nước ngoài sẽ cần số tiền tương đương sáu, bảy chuyến “lên núi” của cô. Và cô cũng không có nhiều thời gian như ngày trước. Chỗ làm thêm không thể nghỉ quá 3 ngày, và lịch học thì dồn dập. Mọi thứ cứ như phối hợp nhịp nhàng với nhau để thì thầm vào tai cô rằng “hãy ngoan ngoãn ở nhà nhé, cậu chẳng cần đi đâu cả”.

Lời thì thầm đó là lời nói dối. Giờ thì cô đã biết. Cô có nhiều ước mơ khác nữa, nhưng giấc mơ về núi rừng, là một phần của con người cô. Sao đã có lúc cô nghĩ rằng mình không cần đến nữa?

Và cô cũng nhận ra lý do cô trở lại Hà Giang nhiều nhất trong tất cả những nơi cô đã đi qua. Hà Giang đẹp và hùng vĩ thật, nhưng đó không phải là điều quyết định. Mà chính Hà Giang là nơi đưa cô về với giấc mơ đó một cách trần trụi và sống động nhất mà cô có thể nghĩ đến. Cách đây hai năm, cảm giác xúc động đó đã hình thành khi cô ngồi cheo leo trên ban công homestay trên bản Phùng, nhìn xuống ruộng bậc thang vàng óng đan xen trong mây, thổi hoa bồ công anh và uống cà phê nóng. Nhưng lúc đó cô quá hạnh phúc để có thể nghĩ sâu hơn khoảnh khắc hiện tại, và cô vẫn nghĩ đó chỉ là giây phút yên bình đặc biệt mà thôi.

Giờ đây, sau hơn một năm không lên đường, không hít hà cái mùi núi rừng đã-từng-quen-thuộc, cô nhận ra lý do Hà Giang quan trọng với cô như vậy, và giấc mơ ấy lại tiếp tục được nuôi dưỡng trong cô.

Hạ tiếp tục lên đường, với một tâm thế đầy năng lượng và không hề buồn ngủ. Cô thấy may mắn vì mình có thể gác lại tất cả mọi công việc ở Hà Nội để thực hiện chuyến đi này. Đáng ra cô đã đi từ một tháng trước, nhưng như mọi lần, quá nhiều việc làm cô phải hoãn lại, và còn manh nha ý định từ bỏ. Nhưng ở giây phút này đây, cô thật sự hiểu rằng nếu người ta thật sự muốn làm điều gì đó, người ta sẽ làm được. Và điều đó sẽ không thể được truyền đạt từ một ai khác, không từ một cuốn sách hay bài diễn thuyết hùng hồn nào, mà phải từ chính bản thân.

Một giây phút nào đó trong đời, bất kể sớm hoặc muộn, giấc mơ xa xưa sẽ tìm đến bạn, khi bạn cho nó một cơ hội dù ít ỏi để quay lại bên mình.

3 ngày rong ruổi ở Hà Giang, Hạ bỏ qua hầu hết những điểm nổi tiếng, lướt vội vàng qua những đoàn khách du lịch như trốn chạy sự ồn ào. Hiển nhiên là Hà Nội đã quá đủ người, cớ sao lên đây lại để chen vào những nơi đông đúc? Cô dừng chân lâu ở những nơi vắng vẻ và xanh mướt, có thể ngồi nghe nhạc hoặc đọc sách.

Cô nằm dài trên mặt đất ở rừng thông Yên Minh, thầm cảm ơn vì đã không có một vị khách nào khác. Đôi khi cô cũng bắt chuyện và hỏi han mọi người. Nhưng ở những nơi thế này, cô chỉ muốn đúng nghĩa như chuyến đi của cô : một mình. Trời hơi nắng nhưng không xanh, Hạ nhìn lên tán thông và nhận ra sự bố cục rất hợp lý, dù tán rất sát nhưng vẫn trừ những khoảng cách cố định, không bị quá rậm rạp. Không hề có tiếng xe cộ. Mùi lá khô thoang thoảng. Điện thoại cô vang lên bài “Nếu em hiểu” của cố nhạc sĩ Trần Lập. Cô tự đùa với bản thân một câu rằng: “Chẳng cần đến Vodka cá sấu, cảm xúc không thể tốt hơn.”

Cô ngồi lắc chân theo tiếng nhạc của homestay cạnh bếp lửa, trong tay cầm lon bia lạnh, người khom lại phía đống củi đang cháy để ấm hơn. Quanh bếp lửa là hai chị gái người Sài Gòn, ông chú người Philippines vừa mua bia mời cô, cặp đôi người Pháp tựa đầu vào nhau. Mọi người hỏi han nhau, chuyện trò những câu ngắn gọn, rồi lại im lặng tận hưởng cái rét buốt về đêm của thị trấn Đồng Văn. Cảm giác đó làm cô dễ chịu, khi ở cạnh những người lạ nhưng không bị hỏi dồn dập.

Cô đi một vòng đèo Mã Pí Lèng, rồi chọn một chỗ khuất nắng và nhìn được xuống sông Nho Quế để ăn táo và đọc sách. Đã sang ngày đầu tuần, chỉ còn vài nhóm khách lẻ hoặc một số người tây ở lại, nên trên đèo không nhiều xe và những điểm ngắm cảnh không bị quá tải như cuối tuần. Hạ hơi tiếc khi cảnh đẹp thế này, mình đang mặc một chiếc váy xinh vậy, mà không ai chụp ảnh cho. Rồi cô giơ chân lên để chụp giày bên dòng Nho Quế phía dưới. Thế là đã đủ để bù đắp lại điều xui xẻo là không có ai chụp ảnh cho, trong trường hợp cô tính đấy là một điều xui xẻo…

Hạ lại lấy sách ra đọc, khi ngồi trên mỏm đá bên bến thuyền đi sông Nho Quế. Cô đi xuống đây để đi thuyền, nhưng một người họ không đi. Nên cô ngồi đợi, xem có đoàn nào để ghép không. Cái ý tưởng đi thuyền sông Nho Quế từng làm cô ghét cay ghét đắng, khi thấy thuyền máy xả rất nhiều khói ra sông, những đoàn người chen lấn nhau để được lên thuyền.

Dòng sông chắc mệt lắm, cô nghĩ vậy. Khi đi đến đây, cô đã nghĩ sẽ xuống để chạm tay vào dòng sông lần thứ hai, sau lần đầu cô được chạm tay vào Nho Quế cách đây 3 năm. Nhưng ngồi ở quán ăn bên thuyền và nói chuyện với chị bán hàng, chị bảo ở dưới này khổ lắm. Điện lưới còn chưa có, đường mới được làm thì đỡ, chứ ngày xưa đi 7 km đường xuống mất 1 tiếng. Đợt này phát triển du thuyền trên sông, bà con cũng phấn khởi, bảo ban nhau làm ăn. Nghe thế, cô quyết định sẽ đi thuyền. Chuyến đi thuyền của cô sẽ không làm thay đổi cuộc sống của bà con ở bản, nhưng cũng có thể giúp một gia đình tối nay có thêm một bữa cơm ngon hơn.

Bát cháo ngao nóng hổi ở cầu Trắng, thành phố Hà Giang như một lời cháo tạm biệt Hạ, ấm áp và tràn đầy. Bà bán cháo lại hỏi “Sao lại đi chơi một mình?” như tất cả những người khác. Cô cười: “Một mình vui lắm bà ơi.”

Chuyến xe khách đi về thủ đô không còn nhiều tiếng ồn và mùi như hôm trước nữa. Hạ nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy rừng núi lướt qua trước mắt, xa dần. Cô thấy mình vừa mỉm cười vừa rơi nước mắt, ai nhìn vào chắc nghĩ dở hơi, còn cô chỉ nghĩ được hai từ “cảm ơn”. Cảm ơn giấc mơ, vì đã luôn ở đó, chỉ cần chúng ta đừng cố tình quên đi. Cảm ơn bản thân, vì đã cho cô cơ hội được tìm lại giấc mơ đó.

Cũng từ ô cửa đó, Hạ thấy một cô bé lái xe máy vút qua, gương mặt rạng ngời, nhìn Hà Giang với con mắt đầy đắm đuối và đam mê.

Lê Na

05/12/2019. Chùa Láng, Hà Nội. 19:07 PM. 17oC.