Lâu lắm rồi, mới có một triển lãm, khiến mình muốn quay lại nhiều lần. Và đến lần thứ 3, mình vẫn cực thích cảm giác đứng thật lâu giữa một tác phẩm bất kỳ, nghĩ theo cách của mình, sau đó mới đọc chủ đề của tác giả.

Thông tin chung

Triển lãm ảnh We will have been young (WWHBY)

Thời gian : 11/10/2019 – 04/11/2019

Địa điểm : Không gian Nhiếp ảnh Matca, 48 Ngọc Hà, Hà Nội

Vào cửa tự do

Chủ đề : 12 câu chuyện về tuổi trẻ và tương lai lồng trong những bản sắc và mâu thuẫn, qua ống kính của 12 nhiếp ảnh gia đến từ 8 đất nước Đông Nam Á. Mỗi câu chuyện là một chủ đề và thông điệp khác nhau, nhưng lại có một sự liên kết vô cùng đặc biệt.

Link sự kiện : https://www.facebook.com/events/514574739328469/

Thông điệp đằng sau

Ở triển lãm/ bảo tàng nào, chúng ta cũng có thể nghĩ về những câu chuyện theo cách riêng của mình. Nhưng khác với nhiều triển lãm khác, khi những bức ảnh được chú thích đầy đủ về thông điệp và ý nghĩa, giúp người đọc hiểu rõ ý tưởng của tác giả, thì ở WWHBY, những ghi chú được tóm lược rất đơn giản, súc tích. Người xem sẽ dựa trên cốt truyện chính để đưa ra những cảm nhận riêng của mình.

Những bộ ảnh có những tông màu khác nhau, khi lạnh lẽo, khi ấm áp. Có lúc thấy sự tích cực trong tình yêu và sự đam mê của tuổi trẻ, cũng có lúc chỉ thấy sự bí bức và giam cầm trong tinh thần và thể xác của nhân vật chính. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, có thể bạn sẽ tìm được sự tươi mới trong những gam màu tối, và niềm vui ở sâu trong nỗi buồn.

Có một vài câu chuyện, thoạt nhìn qua sẽ nghĩ là biểu đạt một điều khác, nhưng thật ra lại không liên quan gì. Nhưng cũng là một cách nhìn khác, cảm giác khá thú vị. Trong bộ ảnh “Chiến sĩ Vespa”, ban đầu mình nghĩ là xoay quanh một..nhóm trẻ lang thang. Cho đến khi đọc lời giới thiệu, hoá ra là một câu lạc bộ Vespa ở Indo.

Bức ảnh mình thích nhất là bức chụp hình một tờ giấy trắng đang cháy, trong bộ ảnh “Có phải tình là thế” của Alvin Lau, Malaysia. Dự án ảnh nhấn mạnh sự ảnh hưởng của các ứng dụng hẹn hò với các mối quan hệ hiện đại và cách những mối quan hệ đó tồn tại cùng thời điểm. Nhìn vào bức ảnh đó, khiến mình nghĩ đến những mối tình “đốt cháy giai đoạn”, nghĩa là mọi người làm người yêu của nhau, sau đó mới học cách yêu nhau. Họ đến với nhau vì “sự hợp lý”. Những tưởng đó là tình yêu mãnh liệt nhưng sự thực chỉ là một sự trống rỗng, trắng tinh. Ngay cả những người bạn xung quanh mình, cũng nhiều người lựa chọn con đường tình yêu như vậy. Nếu sau đó họ không “trở nên” yêu nhau nữa, hoặc thấy không còn hợp lý, thì chia tay. Liệu sự cô đơn có đáng sợ để người ta phải vội vàng như vậy? Và đến một ngày, rất nhiều cuộc tình không được xây dựng từ tình yêu, sẽ tệ như thế nào ?

Còn theo Quang, bạn mình, bức ảnh lại diễn tả sự bất lực của tình yêu hiện đại, khi chúng ta không thể kiểm soát được những gì diễn ra và cứ thế thả trôi. Tờ giấy trắng là tình yêu, ngọn lửa là xã hội, là những điều phá huỷ. Tình yêu chưa kịp viết, thì đã bị những điều khác chia lìa. Cách hiểu nào cũng có lý lẽ riêng. Không có câu trả lời nào là đúng hay sai cả. Chỉ đơn giản là cảm nhận và suy nghĩ riêng của mỗi người.

Có phải tình là thế?
Không gian ấn tượng

Lần đầu đến với Không gian Nhiếp ảnh Matca cách đây 1 năm, mình đã cực kỳ thích không khí và cách bài trí ở đây. Nằm đan xen với quán cà phê Sóng sánh (mà đồ uống cũng ngon và giá cả hợp lý), quán cà phê ở tầng 1-2, Triển lãm ở tầng 2-3. Nghĩa là bạn có thể ngồi uống cà phê giữa những bức ảnh luôn. Và người uống cà phê lẫn người xem triển lãm đều rất văn minh, ý thức, không ai ảnh hưởng đến ai cả.

Tầng 2.

Mỗi chủ đề được trưng bày ở một góc hợp lý, tuỳ vào số lượng ảnh và nội dung. Có khi ở cầu thang đi từ tầng 2 lên tầng 3 cũng là một vài chủ đề.

Lần thứ 2 mình đến xem triển lãm, là buổi tối, rất vắng vẻ. Mình gọi đồ, đi lên tầng 3 ngắm ảnh một vòng, không hề có ai ngoài mình và người bạn đi cùng. Xem xong bọn mình xuống tầng 2 làm việc, cảm giác rất nhẹ nhàng và thư thái. Không biết có phải đã đến lúc không còn ưa nhộn nhịp nữa không, nhưng thật sự bây giờ ngồi ở những quán cà phê quá ồn ào, đông đúc mình rất mệt. Kể cả triển lãm cũng vậy. Mọi thứ nên ở mức độ vừa phải thì có lẽ tốt hơn.

Nhắc đến đây lại nhớ đến VCCA – Trung tâm Nghệ thuật Đương đại ở Royal, ngày xưa rất ít người đến, dù nhiều triển lãm khá thú vị. Dần dần mọi người đến đông hơn, nhiều người chỉ để chụp ảnh sống ảo, thậm chí không hề ngắm nhìn những tác phẩm ấy một chút nào. Có thể đó cũng là một cách “thưởng thức”, nhưng hình ảnh chờ nhau để có góc đẹp chụp ảnh, ồn ào và đông đúc, khiến mình không muốn đến những triển lãm ấy nữa.

THNQ.

Là một người không chuyên và không có kiến thức quá sâu về nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung, nên mình không thể đưa ra những cảm nhận chuyên nghiệp hoặc đánh giá tinh tế về triển lãm. Nhưng mình vẫn rất thích đi xem và muốn nghệ thuật đương đại đến được nhiều hơn với giới trẻ. Đặt mình ở vị trí tác giả, khi đã làm ra một tác phẩm, hẳn mình cũng muốn truyền tải được đến với thật nhiều người. Không nhất thiết là phải hiểu tường tận và chính xác, nhưng tác phẩm được chiêm ngưỡng và trân trọng, cũng đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Hãy đến và cảm nhận về triển lãm theo cách riêng của bạn!

Lê Na

21/10/2019. Nguyễn Khang, Hà Nội. 18:08 PM. 28oC.