Khi hai tiếng thở dài gặp nhau, thì chúng sẽ dài hơn hay chúng sẽ ngắn lại, vì chúng được tìm thấy nhau? 

Tác giả: Paolo Giordano

Quốc gia: Ý

NXB Nhã Nam

Thể loại: Tiểu thuyết lãng mạn

Tóm tắt: Cuốn sách kể về hai cuộc đời cô đơn của cô bé Alice và cậu bé Mattia. Mỗi người có những nỗi đau riêng trong quá khứ khiến quá trình hoà nhập với thế giới bị mất kết nối. Họ tìm thấy nhau, nhưng bị ngăn cách bởi những rào cản trong tâm trí, hết lần này đến lần khác.

Hoà nhập một cách trống rỗng 

Truyện được chia thành hai mạch rõ ràng và đan xen với nhau: chuyện của Alice và chuyện của Mattia. Quãng đời lúc họ chưa gặp nhau không được kể quá chi tiết, nhưng là phần quan trọng nhất, là tiền đề cho tính cách và những biến động cảm xúc trong quãng đời về sau. 

Cách kể của tác giả về những nỗi buồn và sự cô đơn rất đặc biệt. Không hề khó hiểu, không hề ẩn ý cũng không hề bi ai, thậm chí đôi khi có cảm giác hơi trẻ con. Tuy nhiên nỗi buồn đó cực kỳ sâu thẳm và làm người ta phải suy nghĩ rất nhiều. Đó là một trong những điều thành công nhất mình thấy ở tác phẩm. 

Cả Alice và Mattia đều rất khó để được hiểu, và để hiểu người khác. Tuy nhiên, cả hai đều cố gắng để sống một cuộc đời “bình thường” như họ vẫn cảm nhận về những người khác. Những điều giản dị bỗng dưng lại trở nên rất xa vời và cách biệt trong tâm trí của họ. 

Mình cảm thấy tình huống đó nghe qua có  vẻ rất “riêng”, tuy nhiên lại là một thực trạng không mới mẻ trong quá trình lớn của người trẻ. Chúng ta cố gắng để là một phần của một nhóm chúng ta không thuộc về, để tự cảm thấy mình hiểu họ. Nhưng cuối cùng tất cả chỉ còn lại sự trống rỗng và lạc lõng. 

Những cuộc vui, sự mới mẻ, bốc đồng, rồi cũng không đọng lại gì, trừ những khoảnh khắc và mảnh linh hồn sót lại được tìm thấy trong những cuộc vui đó. Hiện diện ở đó, nhưng không phải là từ đó. (Không hiểu sao, viết đến đây mình nghĩ đến bài Giấc mơ Chapi – Y Moan). 

Hình ảnh số nguyên tố

Đây là hình ảnh đặc biệt nhất, được xuất hiện thông suốt tác phẩm một cách dịu dàng và thú vị. 

“Những cặp số nguyên tố sinh đôi: đó là các số đứng cạnh nhau, nói đúng hơn là gần nhau bởi giữa chúng luôn có một số chẵn ngăn không cho chúng lại sát bên nhau thực sự. đó là những số như 11 và 13, 17 và 19, 41 và 43. Ai đó đủ kiên nhẫn mà ngồi liệt kê sẽ thấy chúng giảm bớt dần đi. Ta sẽ bắt gặp những số nguyên tố ngày càng tách biệt, tản mát trong khoảng không yên lặng và tuần tự theo nhịp số, khiến ta cảm thấy hoang mang biết đâu những cặp số bắt gặp tới lúc ấy chỉ hoàn toàn rui rủi mà thôi, và rằng số phận thực thụ của chúng là cứ tồn tại một mình mãi mãi.”

Mattia là người nhận ra cậu và Alice là một cặp số nguyên tố sinh đôi, cậu còn tìm ra hai số dành cho mình và cô ấy. Nhưng Alice không hề biết. Có thể bởi chính suy nghĩ đó mà Mattia và Alice đã đánh mất nhau nhiều lần, bởi họ bị ngăn cách bởi một con số chẵn ở giữa. 

Số chẵn đó chính là những tổn thương trong tiềm thức, là rào cản ký ức, niềm tin mơ hồ mà họ tự tạo dựng ra để rồi biết rằng người kia là một mảnh ghép sinh đôi của mình nhưng không thể thay đổi kết cục. 

Cặp số nguyên tố sinh đôi <1000. Cặp số của Alice & Mattia. Cr: Lê Na.

Các cặp số nguyên tố sinh đôi đưa lại cho mình rất nhiều suy nghĩ. Đặc biệt là lúc vẽ bức tranh này. Mình nghĩ về định nghĩa tâm hồn đồng điệu, về sự cố gắng mà người ta dành cho nhau và cho cái tôi của chính mình. Để mà viết có lẽ là quá dài, nên hãy đọc, và nghĩ về những cặp số nguyên tố, bằng suy nghĩ của bạn.

Hiện thực tàn nhẫn 

“Số phận thực thụ của chúng là cứ tồn tại một mình mãi mãi” – có lẽ là vậy. Bởi từ đầu chúng đã là những số nguyên tố cô đơn. Chỉ vậy thôi. 

Câu chuyện này sẽ làm phật lòng những người yêu thích những cái kết có hậu. Họ hy vọng rằng Mattia và Alice rồi sẽ quay về bên nhau. Khi mà trong tâm trí họ luôn thường trực hình bóng của người kia dù có cách xa như thế nào. 

Nhưng mình lại nghĩ khác, mình cảm thấy như vậy là vừa đủ. Bởi trong một vài khoảnh khắc, Alice và Mattia đã tìm được một sự kết nối vô hình, mà tự hai người hiểu. 

Quán cà phê mình đang ngồi bỗng phát đến câu: “Thôi chào em, về giữa phố xá thênh thang. Không gì vui, thì hãy gắng nhớ đôi lần.” Khiến mình hình dung rõ cảnh Mattia tạm biệt Alice lần cuối cùng trong cuốn sách. 

Đau đớn, nhưng là lẽ thường, là một điều hiển nhiên. Và chỉ cần hai người cùng hiểu điều đó. Suy cho cùng, tất cả mọi thời gian rồi cũng chỉ đọng lại trong vài khoảnh khắc mà thôi.

Kết lại, đây là một cuốn sách dễ chịu một cách khắc khoải (?), một hình ảnh tượng trưng độc đáo và giọng văn giản dị, không cầu kỳ.  Phù hợp cho cả những người đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng và cả những người không cảm thấy cô đơn – nhưng rồi một lúc nào đó, sẽ thấy. Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, để yêu hơn, thương hơn cuộc sống này. 

Lê Na

05/02/2021. Thôi Kệ, Vinh. 10:34 PM.  20°C.