Cuối cùng thì, ai là kẻ giết người? Ai là người có tội? Nhưng kẻ có tội có thật sự có tội hay không, hay cũng chỉ là một nạn nhân?

Tác giả: Minato Kanae

Quốc gia: Nhật Bản

NXB: Nhã Nam 

Thể loại: Tiểu thuyết trinh thám, tâm lý

Tóm tắt: Câu chuyện bắt đầu từ một vụ án mạng và những người liên quan, xoay quanh những học sinh cấp 2 và một số giáo viên, phụ huynh. Từ đó đưa ra những diễn biến và câu chuyện liên quan. 6 chương được chia thành lời tường thuật của 5 nhân vật chính, do đó đưa lại nhiều góc nhìn và diễn biến tâm lý của từng đối tượng. 

Cảm nhận chung: mạch kể rõ ràng, dù dùng ngôi thứ nhất cho nhiều nhân vật nhưng không bị đan xen nhầm lẫn vào nhau. Nội dung có thiên hướng trinh thám nhưng không hề kinh dị hoặc xoắn não, mà thiên về miêu tả diễn biến tâm lý phức tạp. Truyện khá dễ đọc nhưng vẫn đưa lại cảm giác xúc động. 

Những lời thú tội

Toàn bộ cuốn sách là những lời tự sự của các nhân vật chính. Mình không gọi là “thú tội” như tiêu đề bởi vì có những người có thể coi là “không thật sự có tội”. Tuy vậy, dường như ai cũng nhận thức rất rõ những hành động của mình và hậu quả của nó, khi viết ra những lời thú nhận đó.

Dù là ai, có tính cách như thế nào, cũng đều bị đẩy vào những hoàn cảnh khiến họ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Trước hết là cô giáo thú tội vì đã trả thù cho con gái của mình, rồi đến lời kể cô bạn lớp trưởng bị kéo vào trong cuộc, chị gái của kẻ sát nhân, lời kể của hai cậu học sinh trung học… Những nhân vật được gắn với một định danh riêng là kẻ giảng đạo, kẻ tuẫn đạo, kẻ cầu đạo, kẻ sùng đạo, kẻ truyền giáo. Còn ai là kẻ nào, xin mời các bạn đọc sách để khám phá nhé. 

Qua lời kể của từng nhân vật, các nút thắt dần được gỡ rối. Dù tuyến tính thời gian không đồng nhất, nhưng trong từng chương lại được kể rất rõ ràng và mạch lạc. Từng hành động đều được lý giải nguyên nhân, diễn biến và cảm xúc một cách chi tiết. Có những nút thắt từ ban đầu, đến tận cuối cùng mới được lý giải, tạo ra sự bất ngờ cho độc giả. 

Mặc dù không có nhiều yếu tố kinh dị hay máu me, nhưng sự ớn lạnh và tàn nhẫn mới chính là thứ gây ám ảnh ở những lời thú tội. Việc nói đến cái chết hay việc giết người một cách thản nhiên như vậy có thể khiến nhiều người bị rùng mình.

“Vậy thì giết ai? Về chuyện này thì thực sự là ai cũng được.”

“Nói cách khác, đây chính là điểm cuối, giết người là kết quả tất yếu.”

Đào sâu vào nguyên nhân

Đây chính là phần mình thích nhất ở cuốn sách. Đó là không để lấp lửng bất kỳ một chi tiết nào. Mọi hành động, trạng thái, cảm xúc của mỗi nhân vật đều có nguyên nhân, lý do đằng sau. Không một chi tiết nào là thừa thãi. 

Tác giả nhấn mạnh nhất ở đây là quá trình giáo dục và môi trường phát triển của trẻ vị thành niên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con người, tư tưởng. Mặc dù gia đình góp một vai trò quan trọng nhưng chính những suy nghĩ của mỗi người mới chính là thứ cần chịu trách nhiệm cho hành động. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bất kỳ một cá nhân hay hoàn cảnh nào ngoài bản thân họ.

Điều đó phần nào được thể hiện qua trích đoạn này

“Giá trị quan và hệ tiêu chuẩn được quyết định bởi môi trường sinh ra và lớn lên. Và giá trị chuẩn để đánh một con người đa số được xác lập bởi người mà mình tiếp xúc đầu tiên, đa số trường hợp chính là người mẹ.”

Phản biện tư duy trên: 

“Còn em, tuy biết đạo đức mình nghèo nàn nhưng lại làm như hay ho lắm, cho rằng tại mẹ mà mình như vậy và cũng không có ý định cải thiện mình. Có thể em cho rằng nếu thay đổi thì mối liên hệ vô hình với mẹ sẽ bị cắt đứt nên đã cố tình như thế.” 

Các nhân vật khi xuất hiện đều mang một sứ mệnh và thông điệp riêng, nên dù không được khắc hoạ quá cụ thể nhưng đều để lại một dấu ấn và mạch dẫn cho tổng thể chung của câu chuyện. 

Một vài hạt sạn nhỏ 

Có lẽ như mình đã nói, mọi thứ đều được lý giải logic nên câu chuyện có phần nào hơi khô khan và giáo điều. Không có chỗ cho những suy đoán lờ mờ hay trí tưởng tượng. 

Cái kết hơi bạo lực và ác độc nhưng lại tạo cảm giác khá thoả mãn. 

Mình không biết là do văn phong của tác giả hay do cách dịch nhưng về cách kể chuyện hầu hết dùng những câu ngắn. Đưa lại cảm giác cách kể hơi trẻ con và có đôi lúc cụt lủn. Tuy nhiên, có thể đó là dụng ý và phong cách của tác giả. Phần này cũng tuỳ thuộc vào cảm nhận cá nhân nữa. 

Kết, “Thú tội” là một câu chuyện khá hấp dẫn và lôi cuốn. Chắc đó cũng là lý do mà nó trở thành một trong 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2009 được sáng tác bởi Minato Kanae. Theo mình tìm hiểu, tác giả đã bán được tiểu thuyết đầu tay này 3 triệu bản và được dựng thành phim vào năm 2010 (1 năm sau khi xuất bản).

Phần mở rộng:

Có một trích đoạn không liên quan nhiều đến nội dung chính, nhưng để lại ấn tượng rất mạnh đối với mình. Kiểu như, không hẳn mà mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, nhưng mình thích cách diễn đạt và tư duy của tác giả. 

“Vài năm gần đây mình hay nghe thấy những từ như “hikiomori” hoặc “NEET”. Nghe nói những thanh thiếu niên thuộc diện này mỗi năm một tăng và đang trở thành vấn đề xã hội. 

Mình thì cho rằng chuyện đặt một cái tên chung cho những thanh thiếu niên không đi học, không đi làm, ăn không ngồi rồi ở nhà như vậy mới là vấn đề.

Sống trong xã hội, nhờ thuộc về một nơi nào đó, có chức danh gì đó mà chúng ta có được cảm giác yên tâm. Việc chẳng thuộc về một nơi nào, chẳng có chức danh nào cũng tương đương với việc mình không phải là một thành viên của xã hội. Phần lớn mọi người rơi vào hoàn cảnh ấy đều lo lắng, bồn chồn, nỗ lực để có được một vị trí tồn tại sớm ngày nào hay ngày ấy. 

Nhưng nếu gắn những cái tên như “hikikomori” hoặc “NEET” cho những người không thuộc về bất cứ đâu thì chính thời điểm đó, cái tên ấy đã trở thành chức danh, thành nơi họ thuộc về rồi. Những người có được vị trí tồn tại là “hikikomori” hoặc “NEET” trong xã hội cảm thấy như vậy là yên tâm, sẽ không nỗ lực đi học hay kiếm việc nữa.”

Nếu các bạn đã đọc hết bài viết này, mình rất cảm ơn. Hãy đọc “Thú tội” và có cảm nhận của riêng mình nhé 😉

Lê Na

04/07/2021. 46 Phố Vọng, HN. 21:23 PM.  31°C.