Đó là loài hoa của sự dang dở, trong tôi.

Tối thứ 6, tôi nhận được tin nhắn của chủ vườn cà phê: “Hoa đã nở rồi cháu ơi. Lên nhanh nhé.”

Thu xếp mọi công việc bằng tất cả năng suất. Tối thứ 7, đúng 26 giờ sau dòng tin nhắn đó, tôi đã ngồi yên vị trên xe khách, hồi hộp nghĩ về Sơn La.

Gần 4 năm trước

Là thời điểm tôi bắt đầu nghĩ về hoa cà phê. Đó là một ngày tháng 7, lần đầu tiên ngồi trong rừng cà phê ở Tây Nguyên, trong chuyến xuyên Việt. Giây phút đó tôi nghĩ “Giá mà được ngắm hoa cà phê nở thì tuyệt”. Những tưởng mong muốn đó thật giản đơn, cứ chờ mùa hoa mà lên đường. Giống như điều tôi đã làm với mùa hoa dã quỳ, hoa ban, hoa cải, hoa đào ở những vùng đất khác.

Chờ hoa nở để lên đường.

2 năm trước

Vốn dĩ đó là một “nhiệm vụ hy vọng”. Có nghĩa là bản thân tôi không ép buộc cũng như căng thẳng về việc mình phải ngắm hoa cà phê cho bằng được. Với việc đi, có lẽ ghét hơn việc đọc những bài báo “những nơi phải đi trước khi cưới chồng” chính là việc ép buộc chính mình phải đi đâu đó.

Nếu có duyên, nhất định sẽ đến. Thế thôi.

Tôi biết rằng hoa cà phê nở vài đợt trong năm, và chỉ rộ khoảng 5-7 ngày. Rất khó để theo dõi lịch trình nở vì từng vườn, từng vùng lại có lịch khác nhau và không có ai cập nhật tình hình cả.

Cũng chính thời điểm đó, tôi nghe được bài hát “Hẹn gặp nhau khi hoa nở” của Nguyên Hà. Bài hát đó đi xuyên qua tâm trí tôi, trở thành câu “hẹn gặp nhau khi hoa cà phê nở” dù chính tâm trí cũng không biết rằng nó muốn gặp ai ở đó.

Có lẽ là một người gắn với ký ức về hoa cà phê, hoặc không.

“Nhiệm vụ hy vọng” bỗng trở thành “hẹn gặp nhau khi hoa cà phê nở”.

1 năm trước

Sau vài lần quay lại Tây Nguyên nhưng đều không đúng dịp hoa cà phê nở, tôi có chút hụt hẫng trong lòng. Không phải là nỗi buồn vì sai thời điểm, mà giống như nỗi buồn của việc có lẽ là tôi chưa đủ cố gắng thì đúng hơn. Điều đó làm tôi nghĩ lại nhiều thứ, cũng là lúc tôi nhận ra rằng mình có thể sẽ không bao giờ gặp người-mà-tôi-muốn-gặp khi hoa cà phê nở nữa.

Việc đi làm thêm ở một quán cà phê chỉ-quan-tâm-đến-cà-phê giúp tôi biết được khu vực trồng cà phê gần nhất Hà Nội là Sơn La. Hạt cà Arabica ở Sơn La vẫn chưa phổ biến, và cách để liên lạc với những chủ vườn ở trên đấy (mà không cần lên) gần như là bất khả thi.

Thế mà tôi vẫn làm được. Việc còn lại là chờ đợi.

Sơn La. Tháng 3/2021.

Đêm đó, trên xe khách, tôi không ngủ được.

Tôi có nhiều lời để nói với hoa cà phê. Như với một người bạn cũ chưa bao giờ gặp (đó có phải là điều khả thi?)

Những câu kiểu như “Đôi khi trong vài giấc mơ, tôi đã thấy cậu. Tôi nhận thức được rõ tất cả đều là sự tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi cũng muốn tự mình chấp nhận với điều đó. Đó là một cảm giác giống như lúc ta đưa tay ra, chạm vào giọt mưa đầu tiên, của mùa hè.”

Nhưng (đây có lẽ là một cách mở đầu không mấy hạnh phúc cho tất cả các phân đoạn)

…hoa đã tàn hết. Cô chủ vườn dẫn tôi đi rất xa, sâu vào trong bản, vừa đi vừa nói: “Không thể tin là đã tàn nhanh như vậy. Hôm qua còn trắng muốt.” Cô rất nhiệt tình, chở tôi đi hết các vườn này đến vườn khác. Nhưng chỉ có mỗi hoa nhãn là đang nở. Đi sang vườn nào cô cũng giới thiệu tôi với mấy cô chú “Con bé này từ Hà Nội lên, mà hoa tàn hết mất rồi.”

Hôm qua trắng muốt. Thế mà hôm nay, đã chẳng còn lại gì. Một vài bông hoa trắng nhỏ xíu li ti sót lại trên cành, như mỉm cười nói với tôi “ít nhất cậu đã cố gắng rồi mà”.

Cà phê ở Sơn La mênh mông, giả mà tất cả đều nở rộ, sẽ giống như một rừng tuyết trắng. Đấy là tôi tưởng tượng thế.

Nhưng tôi đã không buồn một chút nào cả. Giả như cái câu “hẹn gặp nhau khi hoa cà phê nở” được chia làm hai vế, thì người không gặp nữa, hoa cũng không nở.

Có lẽ là vẹn cả đôi đường.

Tôi gọi đó là sự dang dở trọn vẹn.

Nhưng (tiếp tục, với một trạng thái khác)

Chuyến đi này cho tôi nhiều thứ hơn cả một vườn cà phê.

Chiều đó tôi tìm một quán cà phê (khá nổi tiếng) ở thành phố Sơn La, hy vọng được uống một cốc cà địa phương. Nhưng không, rất hiếm quán ở Sơn La dùng loại cà này. Anh chủ quán bảo nó “không hợp khẩu vị người dân”. Nên mọi người vẫn uống hạt ro Tây Nguyên là chủ yếu.

Điều đó đưa lại cho tôi một suy nghĩ, đó là đôi khi, khoảng cách không phải là thứ quan trọng nhất. Thực lòng mà nói, nhiều lần tôi đổ lỗi cho khoảng cách, cho vị trí, để che lấp bớt nỗi buồn và sự hụt hẫng trong lòng mình.

Giống như một nhà văn Nhật Bản nào đó đã viết: “Một chú cá voi bò lên đỉnh núi sẽ mất bao lâu? Nhưng vấn đề không phải là thời gian mà”. Đại loại như thế.

Có khi tôi không nghĩ nhiều về hoa cà phê như thế, thì đã gặp.

Nắng chiều Sơn La rất oi. Tôi đi ra quảng trường Tây Bắc, ở trung tâm thành phố. Vắng hoe. Tạm gác lại việc lúc đến đó, tôi nghĩ nhiều về dòng sông Đà (sẽ nói ở một lúc khác, hoặc không). Bỗng dưng tôi thấy một anh chàng, ôm cây đàn ukulele, đứng hát nghêu ngao bên chiếc xe đạp.

Thế là tôi có thêm một người bạn thú vị.

Anh là người Việt gốc Pháp, đang làm chương trình nghiên cứu Tiến sĩ về cà phê ở Sơn La. Nói tiếng Việt ổn, không uống được cà phê và có nhiều quan điểm rất khác biệt về các vấn đề xã hội. Anh nói rằng chuyến đi của tôi “đáng tiếc một cách rất cá nhân hoá”.

Còn với tôi, chuyến đi này “đáng tiếc một cách rất có ý nghĩa”. Tôi đưa về một chiếc lá từ cây cà phê, dòng suy nghĩ về sự “dang dở trọn vẹn”, về khoảng cách và một lời hẹn gặp lại người bạn mới.

Điều duy nhất tôi không hiểu, là giả sử như, “vế đầu tiên” trong “nhiệm vụ hy vọng” của tôi, đứng trong một vườn hoa cà phê, tất nhiên là không phải với tôi. Thì liệu, sự dang dở kia có còn trọn vẹn không?

Cô chủ vườn, vô cùng nhiệt tình và tốt bụng.
Vài bông li ti sót lại.
Người bạn mới.

Lê Na

13/05/2021. 46 Phố Vọng, HN. 17:39 PM.  29°C.