Một trong những trải nghiệm đặc biệt trong thời gian tôi sống ở Hà Giang là được tham dự vào đám cưới của dân tộc Giáy. Tổng hợp mọi cảm xúc trong 2 ngày diễn ra đám cưới là một sự lộn xộn khủng khiếp trong tâm trí.

“Chú rể hôm nay không đến được. Vì bận đi nghĩa vụ.” – Một người trong gia đình nói với tôi. Nhưng không ai giải thích cho tôi rằng tại sao đám cưới vẫn diễn ra khi không có chú rể, vì sao không chờ đến khi chú rể trở về.

Đám cưới vẫn như thường.

Đêm hôm qua.

Rạp đã dựng lên, khoảng 10 mâm được soạn trước, để mọi người qua ăn đám vui cùng nhà gái.

Gia đình có điều kiện, nhưng vẫn tự nấu nướng và dọn dẹp chứ không thuê. Vì lí do là “người nhà đông”. Nhà bên cạnh, nhà đối diện, nhà hàng xóm biến thành nơi nấu nướng, dọn rửa, soạn sửa. Và vẫn là cảnh tưởng ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì ở thị trấn vùng cao này: đàn bà nấu ăn, đàn ông uống rượu.

Chuẩn bị cho đám cưới.

Cô dâu năm nay 18 tuổi, vừa học xong cấp 3. Chú rể bao nhiêu tuổi, không ai biết. Có lẽ là hơn cô dâu một vài tuổi.

Cái thời tiết trên này, vào mùa rét đậm rét hại, cho người ta lí do để uống rượu. Uống chẳng để chúc mừng cô dâu chú rể. Cũng chẳng vì lâu ngày mới gặp (toàn ở trong làng). Chẳng vì điều gì đặc biệt ngoài cái lạnh tê tái mỗi ngày vẫn đối diện.

Có lẽ, có lẽ thôi, uống để quên đi hiện thực khắc nghiệt như thời tiết, rằng họ cũng chẳng có việc gì ý nghĩa hơn để làm?

Bữa vui cảm ơn.

Tôi là một người bạn, cũng là một người khách, cũng như một người nhà. Chẳng có cái danh xưng nào là đúng là. Tôi vẫn giúp những người phụ nữ nấu ăn và mời rượu những người đàn ông. Dù cho cảm thấy như thế nào đi nữa, tôi vẫn là một người cần nhập gia tuỳ tục.

65 mâm. 70kg đủ đủ cần gọt để làm nộm. Tôi ngồi làm cùng một nhóm phụ nữ. Có nhiều, bằng và ít hơn tuổi tôi. Nhưng điểm chung là tất cả đều có chồng, có con.

Một chị khẳng định chắc nịch rằng: 22 tuổi chưa ai cưới thì là ế. Đó vẫn là một điều hiển nhiên và ai cũng đã từng nghe về việc lấy chồng ở vùng cao. Nhưng khi thật sự ngồi cùng một nhóm những người con gái đã lấy chồng và nghe suy nghĩ của họ tôi mới thật sự cảm nhận được suy nghĩ ấy đã khắc sâu vào bao nhiêu đời, vào tâm trí họ như thế nào.

Niềm tin về việc lấy chồng là thế, nhưng mà cảm nhận về việc lấy chồng vì vẫn là “khổ”, là mệt, là bao nhiêu việc chồng chất lên đầu. Tôi tự hỏi không biết họ có nhận ra đó là hai thứ đốp chát lại với nhau hay không. Phụ nữ trên này rất khoẻ. Lưng địu con vẫn làm được đủ thứ việc. Tối về trời buốt hơn, xuống khoảng 4 độ C, mà vẫn rửa bát, dọn dẹp không hề một lời kêu than. Than cũng chẳng ai làm cho. Cũng chẳng đỡ mệt đi. Thôi đi làm.

Sáng ngày cưới.

Nhân lực được huy động để hoàn thành 65 mâm cỗ. Người nướng thịt, người soạn sửa, người nấu, người dọn… Mỗi người một việc. Cô dâu trang điểm và soạn sửa xong, đứng tiếp khách trước cửa nhà với phù rể. Bộ đồ truyền thống của dân tộc Giáy rất đơn giản. Có áo dài nhung đen với váy, khăn quấn ở thắt lưng và nón đen. Nếu nhìn lướt qua sẽ khó mà nhận ra đâu là cô dâu, vì không quá nổi bật.

Cô dâu (chính giữa)

Vài người kêu tiếc vì việc chú rể không thể tham dự đám cưới của chính mình, nhưng cô dâu đáp tỉnh queo: “Lấy thằng chú vậy.” Trả lời là vậy nhưng tôi biết em buồn lắm. Ngày cưới vẫn cần là ngày mà người con gái cảm thấy xinh đẹp, hạnh phúc, đáng nhớ nhất cuộc đời. Điều đó sẽ bớt mất bao nhiêu phần khi không có mặt chú rể?

Tôi nghĩ về năm 18 tuổi của mình. Là lúc vừa ra Hà Nội học đại học. Cảm tưởng như cả một chân trời đang chờ đón để sống, để khám phá, để hạnh phúc và cả đau khổ. Và trên hết là để lớn lên. Còn em, em cũng học, cũng lớn lên nhưng là học cách làm vợ, làm con dâu, làm mẹ.

 Tôi hỏi anh trai của cô dâu rằng: “Em gái đi lấy chồng, anh buồn hơn hay vui hơn?”. Anh im lặng một lúc lâu, rồi nói: “Anh chẳng biết nữa. Anh chẳng muốn nghĩ. Anh uống say, để đi ngủ. Thì sẽ không phải nghĩ.” Hoá ra, mượn rượu để chạy trốn hiện thực, là có thật.

Khách khứa đến ăn cỗ, uống rượu chúc cô dâu, uống rượu chúc nhau, và rồi ra về. Chẳng có buổi lễ nào diễn ra, cũng không có ai phát biểu.

Để lại ngổn ngang là thức ăn thừa, bát đĩa, và một không gian sực nức mùi rượu. Cho những người đàn bà ra dọn.

Chiều ngày cưới

Đúng 5 giờ chiều, nhà trai qua để rước dâu. Theo đúng phong tục, thì nếu có chú rể,  thì cô dâu, chú rể và nhà trai sẽ phải đi bộ một đoạn đến khi khuất tầm mắt của nhà gái, thì mới được lên xe đi. Nhưng do không có chú rể, nên mọi thứ cũng nhanh chóng hơn. Cô dâu lên xe của em trai chú rể, thêm vài xe của nhà trai, thế là đi.

Rước dâu.

Mọi người ai cũng thương cô dâu, nhưng không được đi theo. Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy em, là em úp mặt vào lưng cậu em trai và đi khuất. Tôi không biết em đang cảm thấy như thế nào, cũng không biết bao giờ được gặp lại em. Chỉ mong rằng em có một đời an nhiên và hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Cô dâu đi, một vài mâm vẫn nán lại ngồi uống rượu và nói chuyện. Chồng bát đũa rửa từ trưa đến chiều vẫn chưa xong. Sẩm tối, tôi bất ngờ là vẫn còn một phong tục cuối cùng cần được thực hiện.

Mọi người nhà gái tặng rất nhiều đồ cho cô dâu. Có tủ quần áo, bàn trang điểm, nệm, chậu to, và phần lớn là chăn nệm. Quà chất đầy sân nhà.

Khoảng 7 giờ tối, mọi người ra đoạn sân có quà tặng, bày ra một mâm rượu. Đề nghị nhà trai phải cử đại diện uống hết mới được đưa quà về. Các ông tranh cãi rất to, nhưng vừa cười vừa cãi. Vì ai cũng đã say rượu, và biết rằng phải uống từng đấy chén là quá nhiều. Sau cùng, khoảng 3-4 người cùng đứng uống, trong tiếng vỗ tay của mọi người. Mỗi chén rượu đưa lên là một lần mặt họ nhăn nhúm lại.

Mâm rượu lấy quà

Chỉ nhìn thôi đã thấy hơi nóng của rượu chạy vào người, lan toả đến tận đầu ngón tay ngón chân và tê tái cả đầu óc. Chén rượu lúc này, chắc phải vì lạnh, chẳng phải vì vui hay chạy trốn cái hiện thực quái nào cả. Mà là chén rượu trách nhiệm. Uống để được chở đồ về. Thế thôi.

Tôi chạy ra đường chơi với lũ trẻ. Một bé gái học lớp 5 ngồi ăn kẹo ở ghế. Nói với một bé khác: “Thế là cô T đã đi lấy chồng.”, với giọng nói khó để biết được đang buồn hay vui. Tôi hỏi: “Thế em thì muốn bao nhiêu tuổi lấy chồng?”. Cô bé đáp: “Em 20 tuổi.” Một cách chắc nịch, như đã tính toán từ rất lâu và quyết định đó là độ tuổi phù hợp nhất.

Lúc đầu khi biết mình được tham dự đám cưới, tôi rất vui. Vì đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt. Tôi còn được mặc bộ áo dài truyền thống của người Giáy, áo nhung nhưng vẫn khiến tôi run cầm cập trong từng cơn gió thoảng qua. Vui vì được góp mặt trong một ngày đặc biệt của cô bé tôi quen.

Nhưng sau đó, tôi thấy cách mọi người ăn cưới, thấy cách em sang nhà chồng, tôi lại thấy buồn. Tôi thấy đây không phải là ngày của em và em chẳng được mọi người quan tâm như tôi nghĩ. Lấy vợ hay là lấy một người lao động về nhà? Lấy nhau vì tình yêu hay lấy vì đã đến tuổi phù hợp?

Những câu hỏi tôi chẳng thể trả lời và có lẽ chính bản thân người trong cuộc cũng vậy. Chỉ là cuộc đời vẫn tiếp diễn và những cô gái nhỏ xíu vẫn nhất quyết 20 tuổi là lúc cần lấy chồng.

Lấy sớm cũng được, đám cưới như nào cũng được, tôi chỉ hằng mong có một ngày số phận của người phụ nữ trên vùng cao này bớt vất vả, người đàn ông biết đỡ đần hơn, và con người ta đừng sống phụ thuộc vào những ly rượu, thì cuộc sống tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.

Người con gái Giáy, tôi chúc em một đời bình yên và hạnh phúc.

Lê Na

18/12/2020. Đồng Văn. 14:10. 7°C