Những “lần đầu tiên” của mọi thứ luôn vô cùng đặc biệt với mình. Nụ hôn đầu, công việc đầu tiên, tình đầu, lần đầu tuyệt vọng, lần đầu đi xa…có lẽ là những kí ức không thể thay thế và lãng quên được. Chuyến đi Lào – Campuchia này cũng vậy, đó là lần đầu tiên mình lái xe máy ở nước ngoài. Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì quãng thời gian đó đã đủ dũng cảm và động lực để thực hiện chuyến đi dài như vậy. 20 ngày, mỗi ngày đều lái xe hoặc leo núi rất nhiều, năng lượng luôn tràn đầy, đầu óc luôn tỉnh táo để khám phá và tận hưởng. Mọi thứ trôi qua như một giấc mơ vậy.

Điều khiến việc chính mình trải nghiệm khác với việc xem ảnh/ video chính là những câu chuyện. Những điều bất ngờ, những điều may mắn, xui xẻo mà mình không thể lường trước dù tính toán như thế nào, và tâm thế đón nhận những điều ấy. Mình muốn kể lại một số câu chuyện mà mình vẫn nhớ như in đến tận bây giờ, dù hơn 1 năm đã trôi qua, nhưng cứ như vừa mới đây.

Câu chuyện thứ nhất : Lạc trong rừng ở Campuchia

Mình đã từng đi những chuyến offroad, mình đã từng nghĩ rằng mình sẽ chết trong một lần lũ ở vườn quốc gia lúc đi xuyên Việt, nhưng mọi thứ chưa bao giờ tồi tệ đến mức như lần offroad ở Cam. Hôm đó là ngày thứ 14 của hành trình, mọi thứ vô cùng bình thường cho đến khi từ Pursat, đi được khoảng 20km, bọn mình rẽ sang hướng đi Koh Kong. Con đường có vẻ không đẹp nhưng mọi thứ vẫn ổn, có một số xe máy và ô tô đi lại. Khoảng vài km nữa, mọi thứ bắt đầu tệ dần. Bắt đầu là những ổ voi khổng lồ đầy rẫy trên đường mà nếu không lách kịp thì sẽ lún tận nửa bánh.

Bằng một niềm tin vô điều kiện, mình vẫn nghĩ như thế này là xấu lắm rồi, sẽ không tệ hơn đâu. Cho đến khi bắt đầu những đoạn lầy, và những chiếc xe 4 chỗ và bán tải chết cứng ở đó. Tim mình bắt đầu đập nhanh hơn, nghĩ về những chuyến offroad trước đây. Nhưng không thể quay lại nữa, cứ liều thôi. Con dốc tiếp theo, không thể ngồi trên xe lái được nữa. Dừng lại và một người kéo, một người đẩy. Bùn lầy mắc kẹt vào bánh, hai chiếc xe lúc đó là Lạc và Đèn, nhúc nhích từng cm một. Mình vẫn tự an ủi, động viên rằng cố lên, chỉ nốt con dốc này là qua thôi.

Quãng đường cứ nhích từng chút một như vậy, thỉnh thoảng có vài người con trai ở bản đi qua giúp đỡ, nhanh hơn một chút. Có một con dốc quá cao, hai đứa không đẩy được nữa, đành vứt xe đấy ngồi thở. Giây phút đó chẳng nói được cái gì, cũng không biết trách ai. Ở một nơi không có người, không có sóng, xe không nhích được, và trời thì tối dần. Lại bắt đầu mưa nữa.

Mình vẫn nhớ một câu rất đúng là “Khi bạn có một ngày tồi tệ và nghĩ mọi thứ không thể nát bét hơn nữa, thì có thể đấy: trời mưa”. Câu nói đó hoàn toàn đúng trong trường hợp của mình. Chưa bao giờ mình ghét mưa như vậy. Mọi thứ thật tồi tệ.

Chưa dừng lại ở đó, mà còn một vấn đề nữa: Đèn và Lạc bắt đầu có dấu hiệu đình công vì sự khổ. Xích chùng, bị chết máy, không thể lấy đà để nhúc nhích. Cảm tưởng như mọi điều bế tắc đều đổ xuống. Và vô cùng mông lung nữa, khi không thể biết bao xa nữa là đến được đường nhựa. Người bản địa ở đó không nói Tiếng Anh, thế là họ ra hiệu rằng, còn 3 con dốc như thế nữa là hết (mình hiểu như vậy), nghe câu đó xong mình tưởng ngất xỉu mất rồi. Lên dốc được rồi, xong còn xuống dốc nữa ?

Đến tầm 8h tối thì bọn mình có vẻ như đã vượt qua hết những con dốc đó, nhưng người thì kiệt quệ, xe thì hỏng hóc, xăng sắp hết, trời vẫn mưa to. Đi một chút nữa thì thấy căn nhà nhỏ như của kiểm lâm, mình chạy vào hỏi mua xăng, họ đồng ý và hút xăng từ xe máy họ ra cho mình. Đổ được tầm nửa bình/xe, mình ngao ngán nhìn trời mưa, nói với người bạn đồng hành rằng: “Xin họ ở lại đi. Trời này em không thể lái được nữa.” Nhưng không được sự đồng ý, bạn đồng hành của mình không tin những người đó. Đến khi họ mời bọn mình rất nồng nhiệt, họ chỉ rằng trời mưa to, đường rất xa, họ có cơm, hãy ở lại đi, thì bọn mình đã quyết định ở lại.

Tối đó rất vui, dù ai chẳng hiểu ai nói gì. Tiếng Anh, tiếng Cam, tiếng Việt lẫn lộn với nụ cười. Ở đó không có sóng, điện chạy bằng ắc-quy, nhưng mình vẫn thấy anh bộ đội ý lướt facebook. Hỏi thì mới biết là ban ngày anh ý đi đến chỗ có sóng, tải những thứ đó sẵn, xong tối mở ra lướt lại. Khổ, cơ mà vẫn yêu đời.

Trong căn nhà đó có 2 anh bộ đội, và một cặp vợ chồng. Mọi người rất vui vẻ và nồng nhiệt. Đưa hết mọi thứ trong nhà ra mời mình, dù rất khó ăn. Cơm trắng ăn với một gia vị gần giống ruốc, với thịt đông, nhưng vị rất khó chịu. Còn bật cả karaoke ra quẩy nữa. Tối đó mọi người dành cho mình một chiếc giường khá tử tế, dù trong một căn phòng lụp xụp. Một anh bộ đội ngủ trên võng để nhường giường cho mình. Mưa ầm ĩ cả đêm nhưng tâm hồn mình thì bình yên kì lạ, và ngủ rất ngon lành.

Thật lòng nếu như giờ chọn lại, mình sẽ không đi con đường khổ ải đó, dù nó để lại cho mình một câu chuyện đặc biệt nhất nhì chuyến đi. May mắn đã đến với mình nhiều lần, vì mình không gặp chuyện, vì mình được cứu, nhưng may mắn có còn đến nữa không, mình không biết được. Nên thôi, cứ bảo vệ mình trước vậy.

Tiếng cười át tiếng mưa.
Câu chuyện thứ hai : Những cuộc gặp gỡ với cảnh sát

Mình biết rằng việc lái xe dọc Lào như vậy là không được phép, và đã sẵn sàng tâm thế để tiếp đón cảnh sát. Nhưng phải nói một điều rằng, cảnh sát Lào có một phong thái rất…chậm rãi, đúng chuẩn phong cách điển hình của người Lào vậy. Không như cảnh sát Việt phải lao ra đường và có khi rất nguy hiểm để giữ được xe. Mình quan sát nhiều cảnh sát Lào đứng trong bốt và… vẫy tay. Thế là dân tự đi vào để…nhận án. Lần đầu thấy cảnh tượng ấy, mình vừa sốc vừa buồn cười. Vì nếu trúng mình thì mình chạy mất dép.

Lần đầu bị công an gọi vào, bọn mình bị hỏi “giấy xanh” lưu hành cho xe máy. Dĩ nhiên là không có vì chỉ ô tô mới được cấp giấy ấy. Công an Lào không biết tiếng Anh, nhưng bập bõm vài câu tiếng Việt, kiểu như “Không được”, “Quay về”. Ban đầu còn đòi thu xe mình đưa về phường nữa ( sợ méo mặt), sau một hồi xin xỏ thì mấy anh gọi điện cho một anh người Việt, bảo nói chuyện với bọn mình. Cứ tưởng sẽ được giúp, ai ngờ anh ý còn xui mấy anh người Lào moi tiền của mình nhiều hơn nữa. Buồn ghê gớm.

Sau rồi thì chốt là đưa 300k kip cho các anh, và phải quay đầu xe để đi về. Vì đó là con đường độc đạo đến điểm tiếp theo, nên bọn mình đã dừng xe cách đó một đoạn, chờ các anh đi về, để đi tiếp. Đến tầm 6 giờ tối thì quá mệt, mà các anh vẫn không đi. Thế là mở bản đồ ra, tìm một con đường ngõ, thấy một đoạn đi vòng qua ruộng “hơi” khả thi. Đánh liều. Kỹ năng lái xe của mình thuộc dạng “ổn”, nhưng lái xe đường ruộng là một câu chuyện khác.

Đường ruộng bùn, sình thì không nói, mà một đoạn nhỏ xíu trên bờ ruộng, rất căng thẳng. Chân mình không đủ dài để chống được xuống phía dưới ruộng, và mình cũng không đủ thăng bằng để đi không cần chống, thế là ở đường ven thứ 2, mình lao luôn xuống ruộng. Trước khi tiếp bùn, mình vẫn nhớ là đã hét lên :”Chết rồi anh ơi.” Nghĩ lại buồn cười thật sự.

Lúc thoát khỏi đường ruộng, phóng xe trên quốc lộ, mình vui gần chết. Con đường quốc lộ đơn sơ bỗng dưng hoá thần kỳ và tuyệt vời đến lạ. Lúc đến Pakse mình gặp một anh người Việt, nhìn đống bùn đất trên người và xe, anh hỏi mình mới đi đánh giặc về à. Đó có lẽ là lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất mình lái xe trên đường ruộng, xin chừa !

Lần thứ hai gặp gỡ công an là ngày cuối ở Lào. Hai đứa chỉ đi một xe phơi phới khám phá thành phố. Thì một anh công an chặn đầu tấp vào lề. Sau một hồi trao đổi thì biếu anh 300k kip uống nước, nhanh gọn và đi. Dù sao vẫn hơi xót, đáng ra tối được ăn ngon lành rồi, lại nạp cho anh, lại quay về cơm bụi.

Sang Campuchia thì khá bất ngờ với sự thân thiện của cảnh sát giao thông. Lúc được gọi vào một chốt, rất đông người, bọn mình đưa bằng lái (tiếng Việt) ra, thì anh cảnh sát bảo OK OK, xong còn đưa cho một anh người Cam để ý nói rằng, anh phải có bằng như này này. Rồi cho đi luôn, đáng yêu ghê.

View rình chờ CSGT về
Câu chuyện thứ ba : Lạc lối ở Angkor

Ấn tượng đầu tiên của mình với Angkor : Quá đông ! Thật ra bởi vì mình đến đền chính đầu tiên, là nơi mọi người, nhất là các đoàn du lịch đều đến. Sự chen chúc và tiếng nói láo nháo làm mình muốn phát điên. Để đi vào đền chính, phải đi một đoạn cầu phao. Quá đông người khiến cầu phao bấp bênh như sắp lật. Mỗi đền chính thôi đã rất rộng, đi mãi không hết. Và ngay trong chính đền chính, nếu như rẽ sang một hướng khác mọi người một chút, lách sang phía hai bên hoặc bên sau thì cũng không quá đông. Mình rất yêu những góc đó.

Những đền khác thì vắng hơn, tuỳ theo mục đích và sở thích thì mỗi người có thể có những lựa chọn riêng cho mình, mình thì chọn đi đền Bayon vì thích kiến trúc khắc khuôn mặt thần lên nhiều đỉnh tháp, đền Baphuon vì có thể đi lên đỉnh ngồi nhìn toàn cảnh và đền Bakheng để ngắm hoàng hôn. Chỉ đi 4 đền thôi là đã hết ngày rồi. Nếu như có thời gian bạn có thể dành 2-3 ngày ở Angkor Wat, vẫn có nhiều nơi để khám phá. Nhưng với mình thì như vậy là khá đủ. Ngày hôm ấy mình đi bộ khoảng 12km, đó là cả một kỉ lục.

Quay lại chủ đề chính: Lạc nhau ở Angkor. Mình không nhớ bọn mình đã cãi nhau chuyện gì, nhưng lúc ở tầng 2 của đền, đã bức bối quá nên không thèm nhìn nhau, thế là lạc. Mình loạn lên, chạy lên chạy xuống, nhưng vẫn không định hướng được. Mình đi ra phía ngoài, đi một vòng, mỏi chân gần chết, muốn khóc đến nơi. Hình như là cũng có khóc. Vì hai đứa chỉ mua một SIM để tra đường và phát 3G, nên chiếc điện thoại của hình hoàn toàn…vô tích sự. Cảm giác lúc đó kiểu như thật sự là “lạc lõng giữa đám đông”, rất khó chịu. Mọi người cứ ùa vào, tíu tít cười nói chụp ảnh, mình thì chẳng được bức ảnh nào, còn vừa mệt vừa lạc.

Sau rồi thì cũng tìm được nhau, hình như là ở chỗ gửi xe. Mừng mừng tủi tủi, cả khóc cả cười. Nên mình đã rút ra một kinh nghiệm xương máu ở rằng : Nếu không có sim điện thoại, đừng lạc ở Angkor !

Câu chuyện thứ tư : Koh Rong Samloem mùa mưa lũ

Lúc ngồi ở trên tàu ra đảo Koh Rong Samloem, mình chẳng hề có một hình ảnh nào định hướng trong đầu. Vì mình không muốn gán cho nó một nền tảng nào trước, để rồi thất vọng. Và mình đã tận hưởng một Koh Rong Samloem vô cùng đặc biệt : mùa mưa, vắng vẻ và yên bình.

Chỉ một số chỗ nghỉ và nhà hàng mở cửa, không có nhiều khách du lịch. Mình đặt trước chỉ một ngày nhưng vẫn có bungalow view giáp biển với giá cực kỳ hời. Khi ngồi ở quầy bar chờ được check-in, mình cực kỳ ấn tượng bởi tấm biển:”It is rain season. Let’s enjoy the fucking rain.” Và có vẻ như mọi người trên đảo đã sống với tinh thần đó. Trời mưa chẳng làm ai nhăn nhó cả. Mọi người ngồi từ hiên nhà đọc sách, ngắm mưa, nói chuyện. Tạnh mưa lại ra tắm biển. Biển không xanh nhưng rất trong và sạch. Cảm giác như cả bãi biển là của mình.

Mình có đi bộ sang bờ bên kia đảo, là Lazy Beach, còn vắng và yên tĩnh hơn nữa. Có một chú chó cứ lẽo đẽo đi theo, mình đặt tên là Park. Nghĩ về ngày ở đảo, mình gọi đó là ngày bình yên nhất chuyến đi. Không tiếng xe cộ, không tiếng dân cư đông đúc, không leo trèo mệt lả. Mọi thứ chỉ xoay quanh ăn, ngủ, tắm biển, đọc sách, uống bia. Mình đã nghĩ sẽ quay lại vào mùa nắng, để xem biển xanh như thế nào. Nhưng nếu thế có lẽ mọi thứ không còn yên bình nữa, và hình ảnh của Koh Rong Samloem cũng sẽ khác đi trong mình. Nên thôi, có lẽ là có những nơi chốn, chỉ nên đến một lần trong đời.

Những điều mình thích ở Lào và Campuchia
  • Quốc hoa của Lào là hoa đại, và xuất hiện ở rất nhiều nơi trên khắp đất nước. Đi trên đường mình để ý rất nhiều nhà có một cây hoa đại trước cửa, đúng mùa hè, hoa rụng khắp sân, rất đẹp. Quốc hoa được in trên nhiều thứ như đồ dùng, biển hiệu, danh thiếp,… Cảm giác người Lào rất yêu và tự hào về quốc hoa của mình.
  • Ở Lào sử dụng rất nhiều chòi, mà mình nghĩ có thể gọi luôn là “văn hoá chòi”. Lúc đầu mình nghĩ chòi chỉ ở ngoài ruộng để người dân nghỉ ngơi, nhưng sau đó thì thấy nhiều nhà có chòi trong sân, hoặc phía ngoài. Và mọi hoạt động đều có thể diễn ra ở đó: ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách. Mọi người cũng khá thoải mái với việc trú tạm vào chòi nhau, lúc mưa hoặc nắng. Cảm giác rất thân thiện.
  • Con người rất hiền lành và thân thiện, cả ở Lào lẫn Campuchia. Nghĩ lại thì mình chưa hề gặp một tình huống nào gặp phải người xấu/ đáng ghét trong 20 ngày đi. Mọi người có vẻ khá phấn khích khi biết rằng mình là người Việt và đi xe máy dọc đất nước họ. Một số người còn biết nói vài câu tiếng Việt và thích chém gió với mình nữa.
  • Mọi người không sử dụng còi. Gần như là một bộ phận vô dụng nhất trên xe. Có lần mình phải dùng còi để báo hiệu quay lại cửa hàng mua dây buộc túi, mọi người nhìn mình cứ như người ngoài hành tinh vậy. Xấu hổ gớm. Có lẽ là không quá tắc đường làm người ta bình tĩnh hơn, nhưng mình thật sự thích “quy tắc ngầm” ấy.
  • Ở Lào, mọi người đều uống bia Lào. Mình biết là bia Lào nổi tiếng, nhưng mình không ngờ lại “cộng đồng” như vậy. Ở quán cơm bụi, ở nhà hàng, đàn ông, phụ nữ, thanh niên, mọi người đều uống chung một loại bia quốc gia. Khá là…bình đẳng và thú vị. Một điều bất ngờ nữa là, bia Lào ở Lào đắt hơn bia Lào ở Việt Nam (?!?).
Những điều mình không thích ở Lào và Campuchia
  • Tiếng Anh dở tệ. Dù là nhân viên khách sạn hay nhà hàng, thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch. Một lần mình đổ xăng và bạn ý đọc là “Sô-ven-ty đô lờ”, hoang mang cực độ. Đến khi đưa máy tính cho bạn ý ấn, mới vỡ lẽ là Sôven = Seven.
  • Mưa nắng thất thường. Mình thừa nhận rằng Việt Nam cũng có những lúc đang nắng thì mưa rào rào. Nhưng với sự thay đổi mưa 5 phút – nắng 6 phút – mưa 7 phút, và cứ liên tục như vậy thì không. Rất mệt với việc mặc áo mưa hay áo nắng. Còn bị rát da vì nắng xong đau mắt vì mưa cùng một lúc nữa.
  • Có những thành phố đã gần như của người Trung Quốc. Tất cả những biển hiệu là tiếng Trung, trên đường đầy người Trung và thành phố cực kỳ xuống cấp. Cảm giác đó rất đáng sợ, và đáng ghét.
  • Ở Lào, đồi núi bao phủ gần như cả đất nước, không như ở Việt Nam là đồi núi tập trung ở một số vùng nhất định. Nên lái xe khá mệt và tốn thời gian.
Một lần trú mưa

Đó là những câu chuyện và những điều mình nghĩ về Lào và Cam sau chuyến lang thang rong ruổi ấy. Mình nghĩ Lào và Cam vẫn khá thú vị chứ không nhạt nhẽo như mọi người vẫn nghĩ. Có nhiều cách khác để khám phá như xe khách, máy bay, với chi phí cũng không quá cao. Nếu như có cơ hội, hãy tự mình trải nghiệm và kể câu chuyện của chính bạn ! Cảm ơn vì đã lắng nghe !!!

Lê Na

20:14pm, 30/09/2019. Pháo Đài Láng, Hà Nội. 26oC