Hai năm gần đây mình học đi học lại một bài, mà vẫn chưa thông. Anh nói đùa rằng mình học dốt. Nhưng đó là một bài học rất khó. Có lẽ là khó nhất của cuộc đời, mà nhiều người đến tận cuối đời vẫn chưa học được.

Học cách làm chủ tâm trí của mình.

Bài học đó sẽ định hình nhiều phần tính cách và thái độ đứng trước những sự kiện của cuộc đời.

Cuốn sách “Cởi trói linh hồn” có ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình rèn luyện và học hỏi ấy. Đôi khi mình chợt nghĩ có lẽ mình đã hiểu thấu khi mà người phục vụ làm đổ cốc nước lên quần áo, mình cực kỳ điềm tĩnh và vui vẻ. Nhưng có lúc mình biết rằng mình chưa thấm nhuần được chút nào khi ở một mình trong căn nhà to, gặp vài sự cố không như ý, tủi thân và khóc nguyên hai tiếng đồng hồ.

Có một câu ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được: “Cuộc đời chúng ta không quyết định bởi những sự việc đến với chúng ta, mà quyết định bởi thái độ của chúng ta trước những sự việc ấy.”

Những bài học về tâm trí mình được tiếp xúc nhiều từ các thầy ở chùa, từ những bộ phim hoặc cuốn sách nhân văn mình từng đọc. Nhưng không phải bao giờ mình cũng đủ ý thức để thay đổi tư duy và hành động theo cách tích cực. Bản năng giận dữ và tiêu cực rất mạnh, nhiều lúc kéo mình vào những hố sâu của tâm trí hết ngày này qua ngày khác, khiến tất cả mọi điều xảy ra đều là những điều tồi tệ nhất. Điều đó huỷ hoại đi tất cả sự cố gắng mình cất góp bao lâu.

Ngày hôm qua mình đã có 16 tiếng khủng hoảng cực độ. Rất lâu rồi mình mới trải qua cảm xúc tồi tệ như vậy. Dù rất đau mắt nhưng nước mắt cứ ứa ra và mình không thề kiềm chế nổi. Cơn mưa làm điều ấy càng tệ hơn. Đến tận trưa nay khi mua một bó hoa lương mao, mình mới điềm tĩnh lại và quan sát tâm trí từ phía sau. Mọi việc có lẽ đã không kéo dài lâu đến như vậy nếu như mình chịu mở bài viết 252 điều làm Lê Na hạnh phúc sớm hơn.

Ngay lúc này mình lại cảm thấy bình tâm vô cùng, khi mọi chuyện đã khá êm xuôi, được ngồi trong quán cà phê ấm áp, yên tĩnh. Ánh đèn vàng, trà quế mật ong, nhạc lofi, mùi cà phê quấn khắp phòng. Vẫn là mưa nhưng làm mọi thứ yên ả hơn thay vì kéo tâm trạng mình tệ xuống.

Đây có lẽ sẽ là một bài viết lan man và ít người đọc được, nhưng mình dành tặng chính bản thân chính vào những ngày mưa, những ngày tiêu cực. Hy vọng mình sẽ nhanh hồi phục hơn khi nhớ đến những điều này.

Khoanh tay đứng nhìn tâm trí

Nghe có vẻ khá “kinh dị”, nhưng liệu pháp tách trí não thành một cá thể riêng và đối thoại với chính nó là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để trở nên tích cực. Nhiều lúc chúng ta vẫn tưởng trí não là tất cả mọi thứ của mình và để nó điều khiển. Nó bảo rằng: “Nguyên một tuần này cậu sẽ bị buồn và chán nản” và chúng ta thấy như thế thật.

Nhưng đó chính là lúc bạn cần nói với người bạn ấy rằng: “Không, đó không phải sự lựa chọn của mình. Mình không muốn lãng phí một quãng thời gian quý giá ấy cho nỗi buồn. Mình chọn niềm vui và mình có thể.”

Đó cũng chính là điều mà thiền định vẫn thường hướng đến. Nhưng nếu bạn không thể khoanh chân ngồi ngay ngắn hàng giờ để tìm ra câu trả lời cho tâm trí, điều đơn giản hơn bạn cần làm chỉ là nhắm mắt lại và lắng nghe nó. Một cách đặc biệt mà mình vẫn dùng là nghĩ ra một câu nói khá vô nghĩa như “cánh cụt không bị cụt cánh ăn dưa hấu” để nhắc nhở bản thân rằng tâm trí không điều khiển bạn, mà bạn cần tách thành hai bản thể để quan sát và đánh giá. Bản thể không chứa tâm trí ấy sẽ chính là “bản ngã” thuần khiết, tích cực nhất của bạn. Tâm trí có thể tiêu cực, nhưng đừng để “bản ngã” cũng nghĩ như vậy.

It is ok to be not ok

Khi đã quan sát được tâm trí trong những trường hợp nhất định, và nhận ra bạn đang dần kiểm soát được thái độ của mình, hãy tự nâng cấp độ khó lên. Nhưng luôn cho nó một giới hạn. Giới hạn để bạn được phép buồn và đau khổ. Nếu như trở thành một người bình tâm trước tất cả mọi chuyện của cuộc đời, thì chúc mừng bạn đã trở thành “bậc thầy tâm trí”. Nhưng mình sẽ không muốn như vậy. Bởi vì khi mình không còn biết buồn, thì có lẽ niềm vui cũng chẳng quá quan trọng nữa. Đến cuối cùng thì, được trải qua các cung bậc cảm xúc cũng là một điều cuộc đời ban tặng cho chúng ta.

Đừng tuyệt vọng và nghĩ rằng mình đã thất bại khi bạn nhận ra rằng mình đang buồn khổ và suy sụp. Chỉ cần bạn vẫn có thể thoát ra khỏi chính hố sâu mà mình đã tạo ra đó thì mọi chuyện vẫn ổn. Một vài giờ, thậm chí là một vài ngày buồn bã cũng là một điều thường thôi. Đôi khi câu thần chú “cánh cụt không bị cụt cánh” của mình không có tác dụng nữa, vì có lẽ chú cánh cụt cũng bị buồn.

Tìm kiếm lý do vui của những chuyện buồn

Sau những lúc quan sát tâm trí, cho phép bản thân được buồn, mình sẽ ngồi lại để nghĩ về những lý do hợp lý của điều không tốt đẹp ấy.

Tin mình đi, sẽ luôn có một điều gì đó để điều xui xẻo mang một chút năng lượng tích cực. Giống như ngày hôm qua, mặc dù rất u sầu vì chỉ có một mình mình đối diện với những điều ấy, nhưng mình tin rằng đó chỉ là một trong những sự rèn luyện mà mình cần có để sống một mình hai năm trước mắt, để thực hiện những điều mà mình đang hướng đến.

Và cho dù bạn chẳng thể tìm nổi một lý do gì, thì vẫn luôn có điều tốt đẹp là sự mạnh mẽ mà bạn có sau mỗi chông gai. Chẳng có một người nào đi qua cơn bão mà vẫn như thế cả. Chỉ là bạn có nhận ra rằng mình đã khác đi hay không.

Luôn có một ai đó cho bạn

Những lúc buồn tủi, rất dễ để rơi vào suy nghĩ: “Tất cả mọi người đều bỏ đi và chỉ còn lại bản thân mình.” Nhưng mình tin rằng điều đó không đúng. Luôn có một ai đó ở đó vì bạn và có thể lắng nghe. Học cách cân đối giữa việc chia sẻ và giữ lại cho bản thân một cách vừa đủ. Bạn không cần phải bộc bạch hết tất cả để ai đó có thể thông cảm, nhưng cũng không nên giữ lại dồn nén không mình quá nhiều. Gia đình, bạn bè, thậm chí là một người lạ, một lúc nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy có lẽ mình đã đóng cửa trái tim với quá nhiều người. Tất cả chỉ nằm ở sự lựa chọn của bản thân rằng bạn có chia sẻ hay không. Có những người (trong đó có mình) lựa chọn những sự vật xung quanh để thành người bạn đích thực. Xe máy, nhật ký,… tất cả mọi thứ bạn thấy thoải mái khi chia sẻ. Mình vẫn luôn “Chào Nhật Ký, cảm ơn cậu đã lắng nghe” đầu tiên khi bắt đầu viết. Và mình cảm thấy đó là một người bạn thật sự, trong vòng 10 năm nay của mình. Điều đó làm mình cảm thấy ổn và nhẹ nhõm hơn rất nhiều phần.

Nên là, có lẽ chúng ta không cô độc trên thế giới này như chúng ta vẫn tưởng.

Mình khâm phục những người có thể làm chủ tâm trí họ nhiều hơn những người có thể kiếm ra nhiều tiền. Bởi vì mình đã chứng kiến những người nhiều tiền nhưng cư xử căng thẳng quá mức cho những chuyện cỏn con. Nhiều tiền làm gì nếu tâm trí không thể thoải mái? Tiền quan trọng thật, nhưng có phải là quan trọng nhất hay không?

Mình không biết 10 năm nữa mình sẽ làm gì, ở đâu, sống cuộc đời như thế nào, nhưng hy vọng rằng mình sẽ trở thành một người an yên và điềm tĩnh sống.

Lê Na

18/03/2020. Bấc cf, Hà Nội. 22:07 PM.  20°C.