Việc ứng dụng công nghệ vào du lịch đã trở nên quá quen thuộc với tất cả mọi người. Nhưng không hẳn ai cũng biết cách để tận dụng triệt để chức năng của các ứng dụng để chuyến đi được dễ dàng hơn. 

Đôi khi mình vẫn nhận được câu hỏi từ bạn bè rằng nên đặt phòng ở đâu, xem vé như thế nào… Nhân một ngày thèm đi chơi, mình sẽ chia sẻ về những ứng dụng mình thường dùng khi đi du lịch. Kinh nghiệm của mình thật sự không quá nhiều, và mình chưa được ra khỏi đất Đông Nam Á. Tuy nhiên mình tin là những thông tin này có thể giúp được cho một số người nhất định. Sau này, khi được đi xa hơn, được tiếp xúc với nhiều điều hơn, mình sẽ tiếp tục chia sẻ và bổ sung. 

1. Skyscanner

Skyscanner là trang web so sánh giá vé máy bay chính xác và tiện lợi nhất mà mình từng sử dụng. Bố cục rõ ràng, tải rất nhanh và có sắp xếp theo giá vé/ thời gian. Skyscanner có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất và có hầu hết các thông tin của mọi hãng. Thậm chí nếu bạn chưa biết nên đi đâu thì cũng có gợi ý luôn. 

Thường thì mình sẽ tìm chuyến bay phù hợp và xác định đúng hãng, ngày, giờ, giá vé sau đó vào trang web chính thức của hãng để đặt. Theo kinh nghiệm của mình thì đặt vé máy bay qua trung gian có thể rẻ hơn một chút nhưng đến khi giải quyết vấn đề phát sinh thì rất lâu và phức tạp. Nên mình vẫn lựa chọn đặt qua trang web chính thức (nhớ tìm trang web chính xác vì rất nhiều trang giả mạo với hình thức và nội dung gây nhầm lẫn). Trong nhiều trường hợp thì Skyscanner cũng đưa bạn về trang chủ của hãng để book trực tiếp nên rất tiện. 

Đối với mình thì Skyscanner là một ứng dụng tuyệt vời để tiếp thêm động lực đi chơi nữa, khi mà rảnh rảnh lại ngồi tìm vé và ấp ủ kế hoạch lên đường khi săn được vé rẻ. 

2. Booking 

Giữa một rừng các ứng dụng đặt phòng như Agoda, Traveloka, Airbnb,… thì mình vẫn ở lại với Booking. Đơn giản là vì sau khi thử nghiệm 1-2 lần mỗi app thì mình thấy Booking thường cho mình những sự lựa chọn và ưu đãi tốt nhất. Một ưu điểm lớn là giao diện rất thân thiện và nhanh chóng, lọc ra được nhiều các yêu cầu riêng. Từ khi quyết định gắn bó với Booking thì bây giờ mình đã đạt Genius Level 2 (cao nhất hiện tại) thì mình vẫn thường xuyên được giảm giá 10-15%, upgrade hạng phòng và free bữa sáng. 

Đối với những app khác, mình không dùng nhưng mình cũng không chê. Có thể trong một vài năm mình không dùng đã có những sự cải thiện đáng kể. Lời khuyên của mình sẽ là hãy tìm ra ứng dụng đặt phòng mà bạn thích nhất và gắn bó với nó. Vì thường những sự ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết là rất nhiều, và không nên dùng quá nhiều app trong điện thoại chỉ dành cho việc đặt phòng, tham khảo quá nhiều bên sẽ khiến bạn bị rối rắm và mệt mỏi hơn thôi. 

Homestay ở Boracay.
3. Google maps

Theo mình thì biết cách xem GG maps là một kỹ năng quan trọng bậc nhất mà một người du lịch tự túc cần có. Nhiều người thường nghĩ GG maps chỉ dùng cho việc tìm đường hoặc tránh để bị taxi lừa. Nhưng có rất nhiều điều mà gg maps có thể giúp bạn để chuyến đi trở nên thuận tiện hơn:

  • Đánh dấu những nơi bạn muốn đi trong một khu vực ở GG maps, định hình chặng đường di chuyển của mỗi ngày để tìm ra vị trí khách sạn bạn nên đặt. 
  • Đọc đánh giá ở GG maps sẽ cho bạn nhiều chỉ dẫn và thông tin hơn bạn tưởng. Chính mình cũng là một người dùng rất tích cực đóng góp ý kiến về những nơi từng đến để có thể cho mọi người cái nhìn chân thực nhất (nhưng mãi mới lên được Local Guide cấp 6). Vì trong những app có review về địa điểm (TripAd, Fb,…) thì GG maps là nơi có đánh giá khách quan nhất để mình lựa chọn nơi sẽ đến. 
  • Đôi khi, việc xem GG maps ở những nơi bạn sẽ đến có thể đưa đến nhiều điều thú vị mà các bài reivew/ báo/ blog không nhắc đến. Ví dụ như mình đã tìm ra một công viên mèo hoang rất thú vị ở Manila một cách rất tình cờ. 
  • Đối với những người thích ngắm hoàng hôn/ bình minh, việc dùng GG maps sẽ giúp bạn tìm được những nơi view đẹp và vắng vẻ khi bạn xác định đúng hướng cần đi. Có khi chỉ là một quán cà phê nhỏ ven sông hoặc một cây cầu sát biển nhưng đảm bảo là trải nghiệm sẽ vô cùng tuyệt vời. 
  • Mình rất hay dùng các gợi ý về việc di chuyển của GG maps. Ví dụ như một quãng đường từ sân bay về khách sạn thì nên đi taxi hay bus với tình trạng tắc đường, giá vé… Nếu là bus thì cũng có cụ thể là chuyến số mấy, bắt ở đâu, nói chung là có hết thông tin chỉ việc lựa chọn. 
Quán cf ven sông ngắm hoàng hôn ở Bagan, tìm được nhờ GG maps.
4. Couchsurfing 

Couchsurfing là cộng đồng xin ở nhờ (phi lợi nhuận, khác homestay ) của những người du lịch bụi, muốn kết bạn với dân bản địa nhiều hơn. Sau mỗi lần host hoặc được host thì mọi người đánh giá chất lượng chỗ ở, tính cách người chủ, người khách và mọi người đồng thời dựa vào đấy để làm cơ sở chấp nhận đề nghị của nhau. 

Cách đây 4 năm, lúc ra Hà Nội học ĐH mình đã biết một bài về ứng dụng này để kêu gọi bạn bè ở Vinh tham gia. 

https://www.facebook.com/letranna/posts/1043469312441836

Và cho đến bây giờ thì ý kiến và niềm vui của mình ở CS vẫn được giữ nguyên. Lần gần đây nhất mình host là một bạn người Trung Quốc đạp xe xuyên Việt, rất thú vị là lịch sự. Một vài người bạn mình quen từ CS vẫn giữ liên lạc và chơi với nhau đến bây giờ. 

Vì mọi thứ ngày càng phức tạp nên lời khuyên khi dùng CS của mình là hãy đọc thật kỹ profile của người bạn sẽ gặp mặt và lường trước những tình huống có thể xảy ra để tự bảo vệ bản thân. 

Cậu bạn người TQ đi xuyên Việt bằng xe đạp.
5. Tale city 

Ứng dụng này có chức năng và cách dùng khá giống với Tripadvisor, tuy nhiên chỉ dành cho khu vực Đông Nam Á. Khác TripAd ở chỗ là thông tin chủ yếu của chính nhà cung cấp. Các khu vực được chia theo thành phố, có gợi ý cho điểm đến của từng buổi trong ngày (địa chỉ, cách đi, sđt,…) hoặc chia thành các mảng nổi bật như kiến trúc, ẩm thực, lịch sử… 

Một điều khiến TaleCity nổi bật hơn những ứng dụng khác là với mỗi điểm đến/ hoạt động đều có một câu chuyện đi cùng. Có thể đọc hoặc nghe (dài tầm 2 phút), là người xem có thể hình dung được những thông tin cơ bản và câu chuyện đằng sau. Khiến cho kiến thức về nơi sắp đi phong phú hơn rất nhiều. 

Sau một thời gian sử dụng thì mình thấy mỗi câu chuyện đều được trau dồi rất chỉnh chu và tâm huyết, nên mình sẽ tiếp tục ủng hộ. Thậm chí dù mình đã ở HN 5 năm, thỉnh thoảng nghe một vài lời giới thiệu lại thấy có được cách nhìn mới. Có những đề mục và ý kiến rất thú vị như “LGBT in Hanoi”, “Dogs in Hanoi”…

6. Nhập gia tuỳ tục 

Sau tất cả, đây là một điều vô cùng quan trọng để chuyến đi trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể tìm kiếm những ứng dụng phổ biến ở nơi mình sắp đến để tải về trước hoặc chú ý quan sát khi vừa đến. Ví dụ như ở vài nơi Uber nhiều hơn Grab, thì việc dùng Ub sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn. Hoặc biết đến những ứng dụng giao đồ ăn ở thành phố bạn đang đến sẽ giải quyết nhanh gọn vấn đề đói lúc nửa đêm… 

Nói chung là, hãy để ý và quan sát!

Bên cạnh đó, còn rất rất nhiều ứng dụng mà bạn có thể dùng khi đi du lịch tùy vào sở thích, nhu cầu hoặc đặc điểm của nơi bạn đến như Google translate, XE Currency (đổi tiền), TripAdvisor, Maps.me (bản đồ offline)… Tuy nhiên việc dùng quá nhiều ứng dụng có thể bị phản tác dụng và khiến bạn bị mệt mỏi với việc xử lý thông tin. Do đó, hãy lựa chọn những ứng dụng bạn cảm thấy là hữu ích nhất và đôi khi cứ tùy cơ ứng biến. Du lịch mà, biết hết thì còn đi làm gì nữa! 🙂 

Chúc các bạn có những chuyến đi thật an toàn và thú vị. 

Lê Na

03/11/2020. 46PV, HN. 21:21 PM.  22°C.