Thật lòng mà nói thì mình khá xấu hổ khi được tiếp cận với thiền từ rất lâu rồi nhưng hay bỏ cuộc nên đến giờ mới có thể duy trì được lâu đến như vậy. Nhưng muộn một chút cũng không sao, vẫn rất hạnh phúc vì cuối cùng đã cố gắng tạo một thói quen nhiều lần từng bỏ. Bài viết chia sẻ trải nghiệm cá nhân, hy vọng giúp những bạn hay bỏ cuộc như mình có động lực. Còn thiếu sót hy vọng được góp ý.
Thời gian và trình độ của mình chưa đạt đến đẳng cấp giật mình nhìn thấy bản thân đang ngồi đấy hay có những trải nghiệm siêu thực nhưng sau 100 ngày duy trì việc thiền thì đã tự đánh giá được những tác dụng ban đầu là:
– Cảm thấy tích cực hơn. Vì phương pháp mình chọn là loving-kindness meditation nên một cách vô thức thì những hình ảnh và suy nghĩ đẹp đẽ đến với mình khi bắt đầu một ngày mới và trước khi ngủ, khiến mọi thứ đỡ căng thẳng và u ám hơn. Và bằng một cách nào đó, mình thật sự nhìn mọi việc với một con mắt “xanh” hơn.
– Quy củ hơn. Việc quy định giờ thiền mỗi ngày kéo theo việc mình tạo một lịch trình trong ngày cố định hơn. Ví dụ như ăn sáng sau thiền sáng và đi ngủ sau thiền tối => đỡ bỏ bữa sáng và thức khuya. Không chỉ việc ăn ngủ mà còn có thể tạo những thói quen mới song hành cùng việc thiền để thấy năng suất hơn.
– Tập trung hơn. Tác dụng này chưa được đo lường thành kết quả cụ thể nhưng được mình cảm nhận một cách mơ hồ. Hồi xưa hay có bệnh như là đang làm luận văn, viết đến chữ “tính khách quan của bài báo” thì nghĩ ngay đến tháng trước blog mình có người ẩn danh cmt là “hơi thiếu khách quan” xong lại nghĩ lung tung hết cả giờ. Học xong khoá The science of well-being thấy càng đúng vì tâm trí lang thang là tâm trí không hạnh phúc. Nên là khi nhận ra có thể tập trung hơn một chút thì rất vui.
Một số suy nghĩ sai lầm cản trở việc thiền và phương pháp vượt qua mà mình đúc kết ra:
– Suy nghĩ: Cần là Phật tử mới nên thiền. Thiền là một phần của quan trọng của đạo Phật và trên đường học Phật thì nên luyện thiền. Niệm chú (mantra) thường được các Phật tử sử dụng trong khi thiền. Mình từng thử với một số niệm chú OM (chú yêu thích của mình) khi thiền nhưng cảm thấy không hợp. Nên mình quyết định sẽ tách rạch ròi đường học Phật và luyện thiền, để tìm ra phương pháp tốt hơn.
=> Nếu bạn không theo Phật giáo hoặc theo tôn giáo khác, thiền có thể được rèn luyện mà không mang tư tưởng tôn giáo. Cũng đừng để ai đó nói với bạn rằng tính cách bạn có hợp với thiền hay không. Chỉ có bạn mới là người có thể nói ra điều đó.
– Chỉ tiếp cận phương pháp “Theo dõi hơi thở”. Đây là phương pháp phổ biến nhất nhưng không phải dễ/phù hợp với tất cả mọi người. Nhất là với những người tâm trí lang thang như mình. Việc tự nhắc bản thân lúc thiền rằng “không nên suy nghĩ” chính là một suy nghĩ không nên được xuất hiện. Vậy nên chỉ sau năm phút, mọi suy nghĩ thường nắm tay nhau nhảy múa trong đầu mình, với việc đấu tranh giữa nghĩ và không nghĩ => Không nhẹ đầu mà còn mệt hơn. Mình cũng không hiểu tại sao các khoá tu mình từng học chỉ hướng dẫn phương pháp này, kết hợp với việc dậy lúc 4h sáng, khiến cảm giác chủ yếu là buồn ngủ hết sức )
=> Nên: Tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Đến khi tìm hiểu sâu hơn thì mình rất bất ngờ về sự đa dạng trong các phương pháp. Tuỳ tính cách và mục tiêu mà bạn có thể chọn phương pháp phù hợp. Ngoài phương pháp breath awareness meditation (theo dõi hơi thở), những phương pháp điển hình khác là vedic meditation (đọc đi đọc lại một câu thần chú), Kudalini yoga, Loving-kindness meditation (nghĩ đến những cảm giác hạnh phúc, đẹp đẽ),…Mỗi phương pháp chỉ cần thử 2-3 ngày là bạn nhận thấy được có hợp với mình hay không.
– Quá khắt khe với bản thân. Điều này thể hiện ở việc ép mình phải thiền nhiều thời gian hoặc không hài lòng với kết quả. Có những đợt mình quyết tâm để thiền trở lại, nhưng ngày đầu đã thiền ngay 30-40p => Mỏi và nản. Hoặc thiền vài ngày thấy không có tác dụng => Bỏ cuộc.
=>Nên: Tiến lên từng bước một. Cho dù tìm được phương pháp phù hợp, hãy bắt đầu với 10p/ ngày, và tăng dần lên. Tự quy ước với bản thân một không gian và thời gian trong ngày để thực hiện. Không nghĩ đến kết quả, rằng mình sẽ hết stress hay cảm thấy tràn đầy năng lượng ngay lập tức. Kết quả sẽ tìm đến khi bạn không chờ đợi. Một cách nữa là tự thưởng cho bản thân khi thiền được 10 hoặc 30 ngày để cảm thấy phấn chấn hơn, và vì bạn xứng đáng.
Mình rất thích cách nghĩ đã đọc được ở đâu đó rằng “meditation” không nên được dịch ra là “thiền”, là nên là “tĩnh” (giống từ “stillness”). Đừng nghĩ thiền như một điều gì đó xa xôi và khó khăn. Hãy nghĩ đó là những khoảng thời gian tĩnh lặng bạn dành cho tâm trí của mình. Nếu bạn không hợp với thiền cũng không sao cả, ít nhất bạn đã cố gắng thử. Chỉ cần bạn tìm ra một cách nào đó phù hợp với bản thân, để tìm được sự tĩnh lặng cho tâm trí. Cuốn sách “Stillness is the key” của Ryan Holiday là một trong những cuốn mình thích khi viết về vấn đề “thư giãn tâm trí”, nếu có thể hãy tìm đọc.
Hy vọng ai cũng sẽ tìm được một con đường cho tâm trí của bản thân.
Lê Na
23/04/2020. Vinh. 07:00 AM. 25°C.