Đây là câu chuyện về một “chuyên gia bóp nén cảm xúc thành một kích thước có thể đem cất giấu.”
Tác giả: Delia Owens
Quốc gia: Mỹ
NXB Trẻ
Thể loại: Tiểu thuyết
Tóm tắt: Câu chuyện về cuộc đời của “cô bé đầm lầy” Kya Clark từ thưở nhỏ đến khi niên thiếu. Các sự kiện về gia đình, mối quan hệ, sự trưởng thành đan xen cùng một vụ án giết người và mối liên hệ với tự nhiên.
Cách kể rất nhẹ nhàng, dễ hiểu dù hai dòng thời gian hiện tại – quá khứ liên tục nối tiếp nhau. Điều mình thích nhất ở cuốn sách là vừa đủ gay cấn, vừa đủ nhẹ nhàng để không bị căng thẳng hoặc nhàm chán. Dù truyền thông về cuốn sách, theo mình biết, nhắc nhiều đến vụ án mạng nhưng đối với mình thì đó không phải là điểm nhấn của cuốn sách.
Sự cô độc của Kya
Cuộc đời của Kya đã có những quãng thời gian không cô độc, cho đến khi mọi người dần rời bỏ đi. Cô nhớ từng hình ảnh mọi người trong gia đình lần lượt đi rồi không còn trở về, nhất là người mẹ và anh trai Jodie – hai bóng hình mà cô yêu thương nhất.
Diễn biến tâm trạng của Kya được diễn đạt rất mạch lạc, điềm tĩnh và để lại ám ảnh. Cô không gào khóc hay oán giận bất kỳ ai. Cô hiểu rằng ai cũng có lí do của riêng mình, khi lựa chọn việc ra đi.
Khi những tưởng Kya đã có thêm một người để bầu bạn, thì họ cũng dần đi hết, hoặc chỉ là lợi dụng cô. Mọi người trong thị trấn xa lánh và kỳ thị cô, và Kya cũng không phiền giải thích.
Sự cô độc của Kya gần như là tột cùng. Tất cả những gì cô có thể dựa vào là bản thân mình và những sinh vật sống trong đầm lầy – vùng đất riêng của cô.
“…còn lại một mình là cảm giác mênh mông đến dội vang..”
“Thẫn thờ, cô tự hỏi mình đã làm gì mà đẩy mọi người đi cả. Má của cô. Các chị. Cả gia đình. Jodie. Và giờ là Tare. Ký ức xót xa nhất của cô là những ngày không xác định, khi từng người trong nhà biến mất nơi cuối đường.”
“Nỗi cô đơn lớn hơn mức cô có thể giữ trong mình. Cô ước mong giọng nói, sự hiện diện, cái đụng chạm của một người nào đó, nhưng ước mong hơn cả là bảo vệ trái tim cô.”
“Cuối cùng nỗi sợ cũng tới. Từ một nơi sâu thẳm hơn biển cả. Nỗi sợ vì biết mình sẽ lại đơn độc giữa đời. Chắc hẳn là mãi mãi.”
“Nếu có ai hiểu được sự cô độc thì đó chính là mặt trăng”
“Cuộc sống đã biến cô thành chuyên gia bóp nén cảm xúc thành một kích thước có thể đem cất giấu.”
Xét về nghĩa đen thì có lẽ ít người có thể thấu hiểu được hoàn cảnh của Kya, những về nghĩa bóng có lẽ ai trong đời cũng ít nhiều từng cảm thấy cô độc như vậy. Cảm giác như tất cả những người xung quanh đều không thể đồng hành cùng mình. Đó là một cảm giác hơn cả buồn, chính là trống rỗng. Do đó, mình nghĩ phần “chạm” nhất của cuốn sách, chính là nỗi cô đơn của Kya.
Sự kết nối và vẻ đẹp của tự nhiên
Là điều để lại ấn tượng nhất trong mình. Một phần có thể là do mình cũng yêu tự nhiên và có một sự gắn kết nhất định với các loài sinh vật. Nên khi tác giả diễn tả đến sự kết nối của Kya với các loài chim, cây cối, mình thấy “lâng lâng” một cách khó tả.
Những gì Kya có là đầm lầy. Và đầm lầy đã cưu mang cô, đưa lại cho cô nguồn thu nhập và thức ăn khi cô còn trẻ, và kiến thức để cô sau này trở thành một nhà văn. Cũng chính những cảm nhận và suy nghĩ về tự nhiên giúp cô hiểu hơn về cách thế giới và con người vận hành, suy cho cùng, tất cả đều “mang một ý nghĩa nào đó”.
Suốt quãng niên thiếu của Kya là những ngày chạy trốn khỏi thực tại vào trong đầm lầy. Cô hiểu rõ đầm lầy và đó là chỗ trú ẩn của cô. Khỏi những cán bộ địa phương, những người lạ mặt và cả kẻ thù. Nơi duy nhất cô cảm thấy an toàn.
Câu chuyện cũng đưa lại nhiều thông tin thú vị về các loài sinh vật như mòng biển, gà rừng, các loài sò… điểm xuyết trong những lần lưu lạc khám phá đầm lầy của Kya.
“Đom đóm cái dụ con đực khác loài bằng tín hiệu giả rồi xơi tái chúng; bọ ngựa cái nuốt chửng bạn tình. Những cô côn trùng, Kya nghĩ, biết cách đối phó với người tình của chúng.”
“Một số hành vi mà bây giờ ta thấy là độc ác đã giúp đảm bảo sự sinh tồn của con người buổi đầu tại bất cứ đầm lầy nào họ từng sống vào thời đó….Một phần trong chúng ta sẽ mãi là cái chúng ta từng là, cái chúng ta phải là để tồn tại – từ hồi xưa lắm.”
Những hình ảnh đẹp trong câu chuyện
- Thơ của Amanda Hamilton
Từ ngày biết đọc, Kya đã thích thơ và thường nghĩ đến những bài thơ đồng cảm với cuộc sống của cô. Những bài thơ của A.H. xuất hiện rời rạc, đôi khi cộc lốc nhưng luôn truyền tải một thông điệp phù hợp trong hoàn cảnh.
Đến tận kết truyện, đọc giả mới bất ngờ vì sự liên kết của Kya và nhà thơ A.H, nhưng mình sẽ không tiết lộ mà để cho các bạn tự đọc và cảm nhận nhé.
Một vài đoạn thơ để lại ấn tượng trong mình
“Hoàng hôn là một lớp nguỵ trang
Che phủ sự thật, che đậy dối gian.”
“Tôi phải rời xa thôi.
Để anh đi.
Tình yêu vẫn thường
Là lời đáp cho việc ở lại.
Hiếm khi là lý do
Để ra đi.”
“Đừng bao giờ đánh giá thấp
trái tim,
Những việc nó làm
Lý trí chẳng sao hiểu được.”
- Chiếc vòng cổ vỏ sò
Trong vụ án mạng của Chase, chiếc vòng cổ được nhắc đến nhiều và là manh mối quan trọng. Kỷ niệm về chiếc vòng ấy cũng là một kỷ niệm sâu sắc trong lòng Kya.
Nhưng điều mình nghĩ về chiếc vòng cổ vỏ sò này là, có thể trong những giây-phút-hiện-tại, Chase đã thật sự yêu Kya. Dù cậu lừa dối và làm cô tổn thương, nhưng có thể chỉ vì cậu không có sự lựa chọn khác, ngoài việc sống theo sự mong đợi của gia đình và xã hội. Đó là một giả thuyết bỏ ngỏ, và tuỳ vào các suy nghĩ.
- Nơi loài tôm hát
Như một cách nói về những nơi sâu thẳm nhất của đầm lầy, nơi chôn giấu những bí mật sâu kín nhất của Kya.
Bằng một cách nào đó, đó cũng chính là nơi mà Kya học chữ, đưa những người cô tin tưởng nhất đến hay chỉ là trốn chạy khỏi cả thế giới.
“Trong tự nhiên – ở ngoài xa kia nơi loài tôm hát – những hành vi có vẻ tàn nhẫn này thực ra sẽ gia tăng dân số con cái của con mẹ trong suốt vòng đời của nó, và do vậy gen bỏ con trong lúc căng thẳng sẽ được truyền trong thế hệ tiếp theo.”
Cá nhân mình rất thích cách dịch tiêu đề này, dù nhiều người chê rằng nó lủng củng và dài dòng. “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” từ đầu khiến mình liên tưởng đến một chốn hoang vu nào đó của đại dương, hoá ra lại chính là trong đầm lầy.
Kết, đọc cuốn tiểu thuyết này khiến mình cảm thấy như đang ngồi bên bờ cát, trước mặt là đầm lầy và bên cạnh là Kya. Để nghe cô kể về cuộc đời của mình. Để hiểu về sự cô độc, về sự kết nối với tự nhiên và một cái kết “có-lẽ-là-có-hậu”.
Bỗng nhiên nhớ đến một câu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”
Lê Na
12/05/2021. 46 Phố Vọng, HN. 16:42 PM. 33°C.