Đó không phải một ngôi nhà tràn đầy tình yêu giữa thành phố ánh sáng, mà là ngôi nhà mở ra một hành trình phiêu lưu tìm về sự thật đang bị phủ lấp.
Tác giả : Guillaume Musso
Quốc gia, ngôn ngữ gốc : Pháp
NXB: Nhã Nam
Thể loại: Truyện trinh thám, tâm lý
Tóm tắt: Trong một tình huống oái ăm khi anh chàng viết kịch Gaspard và cô nàng cựu cảnh sát Madeline cùng thuê chung một căn nhà ở Paris, hai người đã dấn thân vào một cuộc điều tra tưởng chừng vô vọng. Những sự kiện xoay chuyển liên tục và cái kết đầy bất ngờ liên quan đến con trai người hoạ sĩ Sean Lorenz.
Sự đan xen giữa nghệ thuật và cuộc sống
Tác giả G.M. khiến cho câu chuyện không giống như là truyện trinh thám bởi chất thơ và sự lãng mạn trong từng chi tiết, hình ảnh được miêu tả. Paris hay New York dù hiện lên dưới con mắt của một người chán ghét chúng thì cũng đều có những đặc điểm đẹp đẽ để bù đắp lại. Câu chuyện có tuyến nhân vật và sự tiếp nối với quyển “Cuộc gọi từ thiên thần” và “Cô gái Broocklyn” nhưng không cần đọc hai quyển ấy vẫn có thể hiển trọn vẹn nội dung. Nếu bạn hợp với phong cách truyện lãng mạn nhưng không phải về tình yêu của Guillame Musso thì có thể tìm đọc.
Cuốn “Dưới một mái nhà ở Paris” gắn bó rất nhiều với hội hoạ. Khi câu chuyện xoay quanh cuộc đời người hoạ sĩ tài ba đã khuất Sean Lorenz, những ẩn chứa trong ba bức tranh cuối cùng của ông về niềm tin rằng con trai mình vẫn đang sống.
Tác giả luôn bắt đầu mỗi mục nhỏ của cuốn sách bằng những câu nói hay của các hoạ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Ví dụ như: “Nếu bạn có thể nói điều gì đó bằng lời thì có lẽ chẳng còn bất cứ lý do nào để vẽ nó ra nữa”- Edward Hopper; “Những người đàn ông khác sẽ có các khiếm khuyết của tôi, nhưng chẳng một ai có được các phẩm chất của tôi”- Pablo Picasso;… cách thức hoặc quy trình sáng tác, sự đặc biệt trong tính sáng tạo hay cả những quy trình riêng về chất liệu của bức tranh được miêu tả rất chân thực. Hội hoạ trở nên gần gũi nhưng vẫn mang màu sắc đặc biệt.
Nghệ thuật cũng nằm trong chính con mắt của chúng ta. Vẫn là Paris hoa lệ, nhưng dưới con mắt của Gaspard thì đầy ô nhiễm, chật chội, chán ghét, còn với Madeline thì là những góc phố cổ kính, thơ mộng. Cũng như với nhiều sự vật khác, nghệ thuật không được định hình bởi một sự ép buộc, mà bởi cảm nhận của mỗi chúng ta. Nếu một người nào đó không cùng “nhịp”, hợp gu, có lẽ chỉ đơn giản định nghĩa nghệ thuật của họ khác biệt.
Ta có thật sự hiểu mình?
Là những người đã trưởng thành, nhưng cả hai nhân vật chính của chúng ta dường như vẫn chưa hiểu thực sự bản chất của con người mình. Gaspard vẫn nghĩ mình luôn có quan điểm cay nghiệt và phản đối xã hội, nhìn cuộc sống dưới con mắt tiêu cực và không bao giờ nghĩ đến việc có con, nhưng hoá ra anh lại đầy nhạy cảm và mạng sống của một đứa trẻ có thể làm anh thay đổi hoàn toàn tính cách. Madeline vẫn luôn gồng mình để sống mạnh mẽ, nhưng thực sự cô yếu đuối và cần một nơi để trở về, để dựa dẫm. Dù không phải là một câu chuyện tình yêu và cũng không có một lời yêu nào được thốt ra trong câu chuyện. Cái kết tốt đẹp mà tác giả đưa ra như một câu hỏi cho mỗi chúng ta.
Liệu chúng ta có đang lầm tưởng như hai nhân vật trong tác phẩm? Liệu đến một ngày thích hợp, những quan điểm, những bức tường thành mà ta xây lên để chống chọi với thế giới sẽ bị xoá nhoà đi? Hoặc có khi ta đã hiểu bản thân rồi, nhưng đến lúc cũng cần thay đổi. Nếu đó là sự thay đổi để thế giới quan của một đứa trẻ, hay một người ta yêu thương đẹp hơn, thì cũng thật xứng đáng.
Trước những ngã rẽ cuộc đời
Ở phần kết câu chuyện, hai nhân vật chính đã đứng trước một ngã rẽ gần như quan trọng nhất của cuộc đời về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu bẻ lái sang phải, hoặc đi thẳng, cuộc đời họ sẽ hoàn toàn thành hai kết quả đối lập. Trước những ngã rẽ quan trọng ấy, thì lại không có tín hiệu để chúng ta bám víu vào.
Tất cả những gì chúng ta có là niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân và sự lựa chọn của mình. Quyết định của Gaspard và Madeline có sự che giấu và bao biện sự thực, nhưng điều đó lại làm hồi sinh cuộc đời một cậu bé.
Thường thì văn phong và mô tuýp của Guillaume Musso khá giống nhau và dễ đoán. Không phù hợp với người đang tìm kiếm sự hồi hộp đến nghẹt thở hay tìm kiếm sự mới lạ khác biệt. Nhưng đã khá lâu mình không đọc cuốn nào của G.M., thì cuốn sách này là một sự nhẹ nhàng vừa phải. Đủ hấp dẫn và cũng đủ thực tế để nghiền ngẫm. Diễn biến khá dài dòng, dù dòng thời gian chỉ 5-6 ngày nhưng sách khá dày, đôi khi bạn sẽ thấy mạch truyện hơi chậm. Nhưng sách của G.M. không dành cho người vội vàng. Dù dành nguyên một tuần để đọc mỗi cuốn này, thì mình cũng tin là xứng đáng.
Kết lại, “Dưới một mái nhà ở Paris có sự lãng mạn vừa đủ, trinh thám vừa đủ, phù hợp cho những người muốn đổi gió khi có xu hướng đọc quá nhiều tác phẩm thuộc một trong hai thể loại trên. Đối với mình, đây không phải là một tác phẩm hết sức tuyệt vời, nhưng vừa đủ các yếu tố để hấp dẫn mình đọc hết, và viết lên bài review này.
Lê Na
25/03/2020. Vinh. 15:41 PM. 27°C.
Comments
Daniel
Because Long Thanh will not be ready for service until at least 2025, Tan Son Nhat must expand to meet the increasing demand. In January 2017, Airport Design and Construction Consultancy (ADCC) presented 3 proposals to expand the airport. Vietnam’s Deputy Prime Minister Tr?nh Dinh Dung agreed to proceed a US$860 million upgrade proposal for final review before submitting to the government. Under the chosen proposal, there would be a new mixed-use Terminal 3 and a civil-use Terminal 4 (to be built on the south side of the airport), a parallel taxiway between the existing runways and technical hangars on the northeast. The estimated time to complete the upgrade would be 3 years and the airport would then have a capacity of 43-45 million passengers annually.