Sau 9 ngày ở Myanmar, mình có cảm giác vô cùng gần gũi và thân thuộc với đất nước này. Từ con người, văn hoá, phong cảnh…tất cả đều êm ả, nhẹ nhàng. Không hứa ngày sẽ quay lại, nhưng tự hứa rằng sẽ rất nhớ những kỉ niệm cảm nhận đã có ở nơi đây. Hy vọng với một số đặc điểm riêng và lưu ý, sẽ giúp chuyến đi của bạn đến Myanmar suôn sẻ và thuận lợi hơn.

1. Tín ngưỡng của người Myanmar rất cao

Phần lớn người dân Myanmar theo đạo Phật (90%). Chùa đền ở khắp nơi mà mọi người thường diện những bộ đồ đẹp nhất để đi lễ. Những nhà sư được tôn kính hết sức và thường đi khất thực vào buổi sáng khắp dọc các con đường.

Đến Myanmar, hãy tôn trọng tôn giáo của họ bằng cách : không đi giày, tất vào đền, chùa (dù điều đó làm chân bạn bị đau và bẩn), không mặc đồ ngắn (có thể mượn longyi để quấn), một số nơi cấm phụ nữ đến gần bàn thờ.

2. ĐỪNG UỐNG SỮA BÒ NHÀ LÀM

Ở Mandalay có rất nhiều bò sữa được chăn thả khắp nơi. Ở trong thành phố có một vài quán sữa rất to, nên bọn mình nghĩ sữa bò là đặc sản của Mandalay (như Ba Vì/ Mộc Châu của Việt Nam).

Trên đường đi Sagaing về trung tâm Mandalay, bọn mình đã dừng lại mua một chai sữa bò 1l ven đường. Sữa có vẻ như vừa được vắt, không qua tiệt trùng. Riêng về khoản “sữa chưa tiệt trùng” này thì khá phức tạp, nhưng đại thể như nếu ai yếu thì uống sẽ nguy hiểm, còn người khoẻ và hệ miễn dịch tốt thì sẽ khoẻ hơn.

Nhóm bọn mình có 3 người uống sữa. Một người bạn của mình đã rất nôn nao khó chịu trong người từ tối đó. Trong khi hai người còn lại hoàn toàn bình thường. Đến khi lên xe thì bạn ấy bị say xe, và mất nguyên một ngày hôm sau mệt mỏi, khó chịu trong người. Dù không đến mức nguy hiểm như nhiễm trùng (mà một số người uống sữa ấy sẽ bị), nhưng ngộ độc cũng rất nguy hiểm, cần uống liều kháng sinh đúng và nghỉ ngơi vừa phải. Đến ngày thứ 2 từ hôm ấy thì đỡ hơn, mới có sức đi chơi được.

Nên là, không chỉ ở Myanmar mà bất cứ đâu, không nên uống những thứ không có nhãn hiệu chính thống và không “thử” với sức đề kháng của mình.

3. “Đàn ông mặc váy”

Nhiều người gọi đùa khăn Longyi quấn phía dưới của người Myanmar là “váy”. Là trang phục truyền thống của Myanmar, longyi được mọi người sử dụng rất nhiều, đặc biệt là lúc đi học và đi chùa. Một số loại longyi được cách điệu và hiện đại hoá để phù hợp hơn với giới trẻ.

Mình để ý thấy một điều là dần xa Bagan, số lượng người quấn longyi càng ít đi. Mọi người mặc quần tây để thuận tiện trong công việc và cuộc sống, cảm giác hiện đại thế chỗ cho sự truyền thống và cổ điển.

4. Chênh lệch nhiệt độ

Trước lúc đến Myanmar, mình đã được nhắc nhở về sự thay đổi nhiệt độ buổi sáng/ tối và trưa nhưng không nghĩ là lại cách biệt vậy. Bọn mình đi vào tháng 1, là mùa khô, mặt trời mỗi ngày đều rực lửa. Sáng sớm và về đêm thường xuống khoảng 12 độ C, nhưng buổi trưa có thể lên đến 26 độ. Đặc biệt ở Inle, chiều về rất lạnh vì có hơi nước từ hồ nữa.

Nếu đi vào mùa này các bạn nên đưa thêm một chiếc áo len/ áo khoác thật ấm, đến trưa thì cất vào cốp xe/ để lại trên thuyền để tiện đi chơi. Một số xe khách chăn cũng khá lạnh và không được xin thêm, nên nhớ đưa áo khoác lên xe nữa.

5. Những chuyến xe khách

Bằng một sự tình cờ thì bọn mình đã đi 4 hãng xe khách ở Myanmar, trong đó có JJ Express và Famous Express là hai hãng khách du lịch thường đi, Elite Express cũng mới nổi đợt gần đây, Moe Thun Tun thì thường là dân bản địa đi.

Đối với mình thì JJ Express là tốt nhất, vì có chỗ để chân khá thoải mái. Không quen với việc nằm ghế nên mình thấy bị mỏi, và không xoay trở được. Hầu như các xe đều không có sạc điện thoại và wifi, nhưng xe nào cũng phát bánh mì, nước và bàn chải đánh răng (thường là 2h sáng).

Sau khi đọc nhiều review về các chuyến bay nội địa Myanmar cũng như tàu hoả, mình vẫn nghĩ xe khách là lựa chọn tối ưu nhất. Đường xá Myanmar khá xấu và không có nhiều khu dân cư ven đường để ngắm nhìn, nên cách tốt nhất là cố gắng ngủ (cho đến khi được gọi dậy đánh răng?). Vào những mùa cao điểm du lịch, nên đặt xe trước để không bị vỡ kế hoạch. Mình biết khá nhiều đoàn do chủ quan luôn có xe ở bến nên bị hết vé, phải chờ ngày hôm sau hoặc đi tàu hoả_bẩn và lạnh hơn rất nhiều.

6. Sự thân thiện

Trong những nơi mình từng đến, người dân Myanmar là thân thiện và hiền hoà nhất. Hầu hết phải trả giá mọi lúc (tuk tuk, taxi, đồ lưu niệm, dịch vụ…), nhưng trả giá khá dễ và họ thường cười “hì hì” rất đáng yêu. Chỉ một vài lần hơi khó chịu như em bé vòi vĩnh tiền trong chùa hoặc một anh chàng xấc lược lái xe nhưng là rất nhỏ trong số nhiều người mình đã gặp.

Cảm giác như phần lớn mọi người theo Phật nên tâm tính cũng dễ chịu rất nhiều. Anh chủ quán HAPA ở Yangon còn nhắc một câu mình rất thích: “Mọi cuộc gặp gỡ đều là duyên kiếp.” Nếu như muốn chụp ảnh ai đó trên đường, bạn chỉ cần hỏi xin, họ sẽ rất vui lòng mỉm cười cho bạn chụp.

Thật may mắn là ở tất cả khách sạn mình đến ở 4 nơi của Myanmar, dịch vụ đều rất tốt, nhân viên cực kỳ nhiệt tình và tốt bụng. Nếu như phòng trống, họ sẽ cho bọn mình check-in sớm và không tính phụ phí. Bọn mình cũng được gửi đồ và tắm rửa trước khi lên xe sau khi đã check-out rất thoải mái.

Kết lại, Myanmar là đất nước dễ đi, chi phí hợp lý, thân thiện và an toàn. Hãy một lần đến để thấy được những nét khác về Myanmar của chính bạn, và có những câu chuyện riêng để kể về.

Lê Na

26/02/2020. 46 Phố Vọng, Hà Nội. 18:06 PM.  25°C.