Vào một ngày bạn trở về nhà và thấy một người giống hệt mình. Bạn sẽ thấy như thế nào? Hốt hoảng? Sợ hãi? Phấn khích? Tò mò? Cuộc sống bạn sẽ thay đổi ra sao?
Khái quát về bộ phim
Living With Yourself (Tạm dịch : Sống cùng với bản thân)
Viết bởi : Timothy Greenberg
Đạo diễn : Jonathan Dayton, Valerie Faris
Quốc gia : Mỹ
Ra mắt : 18/10/2019 (Avaiable on Netflix)
Thể loại : Hài kịch, tâm lý
Tóm tắt : Anh chàng Miles sau khi gặp sự cố ở một spa thì đã có thêm một phiên bản Miles khác, tốt và giỏi hơn xuất hiện. Cuộc sống anh thay đổi hoàn toàn với nhiều tình huống oái ăm. Nhất là cuộc tình tay ba giữa 2 Miles và vợ.
Paul Rudd trong vai Miles ( cũ và mới) rất phù hợp để đóng vai này. Ở cả 2 tính cách đều có sự riêng biệt và không làm người xem bị nhầm lẫn. Mạch phim khá nhanh, xem không bị nhàm chán.
Phim có nội dung dễ hiểu, nhẹ nhàng, nhưng lại đặt ra một vấn đề xưa nhưng chưa giờ cũ : Đâu là phiên bản tốt nhất của chính chúng ta? Để viết về suy nghĩ về bộ phim và những điều mình đúc kết được, mình xin tách câu hỏi trên thành 3 câu hỏi nhỏ.
Phiên bản tốt hơn của bạn như thế nào ?
Hãy đặt mình vào trường hợp nhân vật Miles trong phim, hình dung rằng có một người là bạn, với mọi đặc điểm, ký ức, nhưng tất cả đều tốt hơn. Như New Miles, vẻ ngoài trau chuốt và cuốn hút hơn (dù chỉ là quần áo chỉnh tề hơn, vuốt tóc gọn gàng lên, không hề thay đổi bất cứ điều gì lớn lao), quan tâm và vui vẻ với mọi người hơn (vợ, em gái, bạn bè và đồng nghiệp), giỏi giang và tâm huyết với công việc hơn. Từ đó, cuộc sống mà New Miles có khác hoàn toàn với Old Miles, một cách đáng ghen tị.
Có vẻ ai cũng dễ dàng khuyên nhủ người khác rằng, bạn nên làm cái này, cái kia để cuộc sống tốt lên : “Cậu nên giảm cân để đẹp hơn”, “em nên tập trung vào để học giỏi hơn”, “anh nên đọc nhiều sách hơn thay vì chơi điện tử”…Sự đóng góp ý kiến với mong muốn xây dựng là tốt, nhưng còn khuyên nhủ bản thân mình thì sao? Bạn có đang quên đi việc ấy không?
Mình muốn phân biệt giữa việc cảm thấy tự ti, chán chường về bản thân với việc hài lòng với những gì mình có và cố gắng để hoàn thiện hơn. Ví dụ như bản thân mình, thời gian gần đây mình đã cố gắng để nấu cơm đưa đi làm buổi trưa, hay vì ra ngoài ăn, bằng cách dậy sớm hơn 30 phút. Mình rất vui với thay đổi đó, vừa đỡ lãng phí nhiều đồ trong tủ, mất công đi ăn và tốn thêm một khoản tiền. Nhưng mình vẫn có thể cải thiện việc đó tốt hơn nữa bằng cách bớt nấu đồ xào rán và ăn nhiều đồ hấp, luộc hơn. Cứ như vậy, từng chút một, chúng ta có thể cố gắng để “có cơ hội” ghen tị với bản thân mình trong tương lai, vì đó là một phiên bản tốt hơn.
Liệu có bao giờ là “đủ tốt”?
Từ những sự cố gắng ở trên, lại kéo theo một câu hỏi khác, rằng nếu như vậy có lẽ chẳng bao giờ chúng ta thấy đủ nhất, tốt nhất. Vì khi bạn kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ nghĩ rằng có một phiên bản của bạn khác kiếm được nhiều hơn nữa. Cứ như vậy ở tất cả mọi khía cạnh, và rồi bạn sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi và chẳng bao giờ hài lòng.
Đến cả New Miles, một chàng trai khá hoàn hảo và là hình mẫu mơ ước của nhiều người, cũng có lúc đứng trước gương, cầm súng và nghĩ đến việc tự sát. Bởi New Miles có thể có được tất cả, nhưng không có được người vợ của Miles. Việc sống với tất cả ký ức tốt đẹp nhưng không thuộc về hiện thực khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa.
Vậy nên, trong quá trình cố gắng hoàn thiện bản thân mình, thay vì nghĩ rằng “Đây vẫn chưa phải là phiên bản tốt nhất của tôi”, hãy nghĩ “Cảm ơn bản thân vì đã cố gắng và hãy tiếp tục nhé”. Tích cực với chính bản thân mình cũng là một điều cần phải luyện tập. Cùng một quan điểm, một tư duy nhưng cách suy nghĩ sẽ khiến bạn trở nên tiêu cực hay lạc quan.
Đại Đức Haemin có thể giúp bạn yêu thương bản thân mình, dù ta không hoàn hảo, bằng hai cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” và “Yêu những điều không hoàn hảo”. Đó không phải cuốn truyện hấp dẫn mà bạn sẽ đọc ngấu nghiến cả đêm, cũng không giảng dạy bạn cần làm thế này thế kia. Chỉ là vào những ngày mệt mỏi hoặc buồn chán, hãy mở một trang sách bất kỳ ra và đọc. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn với mọi thứ và muốn tiếp tục cố gắng.
Chúng ta có yêu người tốt nhất không ?
Chuyện tình tay ba oái ăm của Miles, New Miles và cô vợ Kate có lẽ khó xảy ra ở ngoài đời. Bỗng dưng có một phiên bản khác của vợ/ chồng bạn xuất hiện, với tất cả mọi thứ y nguyên, nhưng hoàn hảo hơn. Tất cả mọi buồn phiền của bạn thường ngày như họ không đủ quan tâm, không đủ cố gắng, nóng giận vô cớ hay bừa bộn quá mức được giải quyết. Liệu bạn có yêu phiên bản mới đó không ?
Nhưng ở cuộc sống thực, chúng ta có một tình huống tương tự nhưng bớt phức tạp hơn: một người tốt hơn xuất hiện. Họ hơn hẳn người bên cạnh bạn về mọi mặt, có thể cho bạn cuộc sống tốt hơn, sự lựa chọn là ở bạn.
Nếu chỉ ngồi như thế này và nghĩ, có lẽ ai cũng sẽ nói rằng: “Dĩ nhiên là tôi sẽ không chọn người mới, tôi sẽ chung thuỷ với người tôi yêu…”. Nhưng nói thì rất dễ, ở trong hoàn cảnh như vậy mới là lúc chúng ta thật sự biết được quyết định chẳng hề dễ dàng. Ai chẳng muốn một người tốt hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình.
Ở phần này, mình nghĩ chỉ có tình yêu mới trả lời được. Nếu đó là tình yêu thực sự, mình tin rằng chúng ta sẽ thấy được ta yêu họ không phải vì họ là sự lựa chọn tốt nhất. Nếu cứ mải mê tìm kiếm những giá trị khác, cứ chạy theo những người tốt hơn thì chặng đường ấy sẽ không bao giờ kết thúc cả. Và cũng bằng tình yêu mà ta kiên trì cố gắng đó, có thể khiến cả hai cùng tốt hơn, hạnh phúc hơn. Điều này thì lại quay lại phần đầu tiên rồi. Giống như Kate cứ ngỡ New Miles sẽ làm cô hạnh phúc hơn, để rồi đau khổ nhận ra đó là một sai lầm. Và làm tổn thương cả 3 người.
Một bộ phim nhẹ nhàng nhưng để lại nhiều suy nghĩ về giá trị của tình yêu và cuộc sống. Với 8 tập dài khoảng 30p/ tập, rất phù hợp để xem trong một cuối tuần. Nhà sản xuất chưa thông báo là sẽ có phần 2 hay không, nhưng với một kết thúc mở, bạn có thể nghĩ ra một cái kết mà bạn cho là thích đáng.
Và nghĩ về một phiên bản tốt hơn của bạn nữa.
Lê Na
Ngày vào đông. 1/11/2019. Nguyễn Khang, Hà Nội. 10:31 PM. 19oC.