Những điểm cực và những cột mốc khó chinh phục luôn là niềm mơ ước của những kẻ du lịch bụi. Không phải để check-in, để cho vào danh sách dài dằng dặc, mà để tận hưởng cái cảm giác đứng trên đỉnh cao chiến thắng, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua để rồi quý trọng vô vàn những gì mình học được. Và lần này, tôi chọn chinh phục cực Tây.
Chúng tôi – 2 cô gái năm hai, sau kì thi cuối kì, đã quyết định chọn một cung đường được cho là xa xôi nhất ở miền Bắc nếu tính từ Hà Nội. Đích đến chuyến đi này là 2 cột mốc đặc biệt: cột mốc không số – ngã 3 biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc, cùng cột mốc 17 – nơi con sông Đà chảy vào đất Việt.
Lịch trình :
Ngày 1 : Hà Nội – Mộc Châu – TP Điện Biên Phủ (500km)
Ngày 2 : TP Điện Biên Phủ – Mường Lay – Mường Nhé – A Pa Chải (300km)
Ngày 3 : Leo cực Tây Tổ Quốc – Pắc Ma – Ka Lăng (90km)
Ngày 4 : Cột mốc 17(1) và 18(2) – Pắc Ma – Pa Tần – TP Lai Châu (200km)
Ngày 5 : Thành phố Lai Châu – Mù Cang Chải – Sơn Tây – HN (400km)
Tổng quan chuyến đi
Cung đường : Hà Nội – TP. Điện Biên Phủ – A Pa Chải – Pắc Ma – TP. Lai Châu – Mù Cang Chải – Hà Nội.
Thời gian : 5 ngày 4 đêm. Xuất phát tại Hà Nội vào 7:00 sáng thứ 6 và có mặt tại Hà Nội vào 18:00 chiều thứ 3.
Tổng quãng đường : 1500 km.
Phương tiện : xe máy.
Năm ngày rong ruổi trên đường đã đưa lại cho chúng tôi rất nhiều kỉ niệm và câu chuyện. Mỗi con người tôi gặp, mỗi nơi tôi đi qua, đều để lại những ấn tượng riêng bởi bản sắc của mình.
Ngày 1 : Hà Nội – Mộc Châu – Thành phố Điện Biên Phủ (500 km)
Chúng tôi lên đường vào một ngày Hà Nội nắng oi ả, mọi người vẫn ngược xuôi đi học, đi làm. Tạm rời thành phố, chúng tôi đi về phía quốc lộ 6. Chạy xe qua Mộc Châu mà lòng xốn xao, chỉ nghĩ ước gì có thời gian dừng chân lại đây một vài ngày. Nhưng vì lịch trình rất dài và thời gian chỉ vừa đủ, nên đành ngậm ngùi hẹn Mộc Châu lần khác. 500 km để đến được thành phố Điện Biên Phủ là chặng đường thách thức sự kiên trì của lòng người. Chủ yếu là địa hình đồi núi, dốc đèo uốn lượn rất quanh co.
Nhưng cứ như là mọi sự cố gắng rồi sẽ đều được đền đáp, chặng đường đồi núi ấy không làm chúng tôi nản lòng. Bởi nó không chỉ là cảm giác hạnh phúc khi được lái xe trên những con đường uốn mình trên núi, mà còn bởi đang là tháng 11, là mùa dã quỳ nở rực rỡ. Chỉ cần vượt qua đèo Pha Đin hùng vĩ để đến địa phận Điện Biên, nhìn sang ven đường tôi đã thấy hàng trăm cây dã quỳ đua nhau khoe sắc. Nhìn xuống ven núi là cả một rừng dã quỳ, vàng ánh lên cả một góc trời. Chúng tôi phải dừng lại ngắm dã quỳ đến hai lần vì không thể kìm lòng nổi trước vẻ đẹp ấy.
Đến thành phố Điện Biên Phủ lần đầu, sự ấn tượng của tôi về nơi đây là không khí nhộn nhịp, đầy sức sống nhưng không hề thấy bon chen, đông đúc. Chúng tôi đi về phía cánh đồng Mường Thanh, nơi có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng của Điện Biên.
Trời đã bắt đầu tối nên chúng tôi không thể ghé thăm hết các địa danh, mà chọn hầm Đờ Cát là điểm đến của mình. Hầm nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là nơi xưa kia tướng Đờ Cát đã bị quân ta bắt sống vào năm 1954.
Đêm đó chúng tôi đã nghỉ lại trong thành phố. Các bạn có thể dễ dàng tìm những nhà nghỉ bình dân với giá cả thích hợp tầm 180.000 VND – 250.000 VND / đêm. Điện Biên cũng có nhiều đặc sản để bạn khám phá, chúng tôi đã chọn ăn xôi nếp nương cùng thịt nướng. Mùi nếp cùng mùi thịt nướng thơm phức thật sự là quá đủ cho một ngày dài.
Ngày 2 : TP Điện Biên Phủ – Mường Lay – Mường Nhé – A Pa Chải (300 km)
Có thể chọn cung đường TP. Điện Biên Phủ – Mường Chà – Mường Nhé – A Pa Chải thì quãng đường sẽ được rút ngắn khoảng 80 km. Nhưng chúng tôi chọn đường dài là vì muốn ghé thăm lòng hồ thủy điện Sông Đà. Đấy cũng là một điểm du lịch đặc sắc nhưng vì khá xa xôi nên chưa có điều kiện phát triển.
Đi qua cầu Hang Tôm, hiện ngay trước mắt ta là một khoảng hồ mênh mông, yên ả vô cùng, khu dân cư lấp ló quanh hồ. Tại đây chúng tôi đã xin đi nhờ thuyền của một cặp vợ chồng người Mông ra giữa hồ. Cảm giác giữa cái nắng trưa nhưng không hề khó chịu mà lại rất thích, nước hồ xanh trong, soi mình phản chiếu núi đồi.
Chúng tôi đến đồn biên phòng 317 vào 6 giờ chiều để nghỉ đêm ở đấy. Đồn là nơi làm thủ tục cho tất cả các đoàn muốn chinh phục cực Tây làm thủ tục. Giá nghỉ đêm cho mỗi người ở nhà sàn là 50.000 VND / người, ăn uống tùy bạn lựa chọn. Các anh bộ đội rất vui vẻ và thân thiện. Chúng tôi ăn cơm, nói chuyện với nhau đủ thứ trên trời, dưới đất.
Một điều đặc biệt của đêm đó là bầu trời rực rỡ sao của Điện Biên. Sao dày đặc phủ kín, sáng lấp lánh như tôi vẫn thường thấy trong những giấc mơ ngày bé. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy nhiều sao như vậy. Cũng phải, ở nơi sâu xa nhất của tổ quốc, không bị khói bụi, ánh sáng, sự xô bồ chen lấn, đêm càng tối, những ngôi sao càng tỏa sáng trên bầu trời. Máy ảnh của tôi không đủ khả năng để ghi lại, nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không còn quá quan trọng, bởi vì, sau tất cả, thứ chúng ta nhớ nhất, sẽ là những cảm giác chẳng đến lần thứ hai.
Ngày 3 : Chinh phục cực Tây tổ quốc – Pắc Ma – Ka Lăng (90 km)
Khoảng 6 giờ chúng tôi thức dậy soạn sửa, ăn sáng. Có thể coi nơi chúng tôi đang ở là nơi đón bình minh muộn nhất đất nước. Khoảng 6 giờ 15 phút mặt trời mới bắt đầu lấp ló xuất hiện sau rặng núi, cảm giác ngồi chờ bình minh, ăn bát mì tôm cùng rau cải vừa hái ngoài vườn của các anh bộ đội, uống chút cà phê sữa đúng là rất tuyệt, quá đủ năng lượng cho một ngày dài.
Khoảng 7 giờ 30 chúng tôi bắt đầu xuất phát đến điểm leo. Đoàn gồm có 6 người: tôi và cô bạn, ba anh chàng của đoàn khác cùng anh bộ đội dẫn đường. Chúng tôi đi xe máy khoảng 7 km từ đồn biên phòng, núi non trập trùng, hùng vĩ dần hiện ra. Ẩn sau những ngọn núi đó là những đường biên giới, những cột mốc mà những người bộ đội đang ngày đêm thầm lặng tuần tra, giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Chúng tôi xuất phát leo vào lúc 8 giờ, thời tiết nắng đẹp rất ủng hộ. Với độ cao 1864 m của đỉnh Khoan La San để đến với cột mốc không số, chúng tôi mất gần 1 giờ 30 phút để leo. Địa hình không quá cao nhưng nhiều đoạn khá dốc, anh bộ đội hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình, cẩn thận. Anh tên là A Chun, người dân tộc Thái Trắng, đóng quân ở A Pa Chải đã hơn 2 năm. Trên đường leo anh kể rất nhiều chuyện, có anh bạn đùa rằng A Chun đã chán cực Tây chưa thì anh bảo: “Đi một nghìn lần nữa cũng không chán. Mình bảo vệ Tổ quốc, sao mà chán được.” Một câu đơn giản thế thôi nhưng làm tôi vô cùng xúc động.
“Đi một nghìn lần nữa cũng không chán. Mình bảo vệ Tổ quốc, sao mà chán được.”
Giây phút lên đến cột mốc không số, cả đoàn ai cũng mệt nhoài nhưng đều rất hạnh phúc. Một cảm giác tự hào vô cùng ngập tràn trong tôi. Cột mốc là ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, cắm giữa một hình lục giác, cột cao có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng chữ Quốc ngữ riêng và Quốc huy của mỗi quốc gia. Đứng từ trên đỉnh nhìn thấy khu vực cả 3 nước, đều trập trùng những núi đồi. Phất phơ xung quanh là những bụi cỏ lau, những đám mây bay là là quanh núi.
Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi trở lại đồn, nghỉ ngơi một chút rồi thu xếp đồ đạc, chia tay nhau để lên đường. Sau khi nghe kế hoạch của chúng tôi, một anh bạn xin được gia nhập đoàn để đi cùng, tiếp tục khám phá nơi thượng nguồn sông Đà. Thế là chúng tôi lên đường.
Từ đồn 317 đi ra khoảng 38 km đến xã Chung Chải, tôi rẽ ngoặt sang phía Pắc Ma (Lai Châu) thay vì đi về Mường Nhé. Chặng đường dài khoảng 65 km sang Pắc Ma khá vắng người, hầu như không có xe, đường khá dễ đi. Qua Pắc Ma khoảng 2 km, chúng tôi đến ngã 3 Nầm Lằn, từ đây nếu rẽ phải là đi lên Thu Lũm, rẽ trái để đi vào nơi có cột mốc 17. Từ ngã 3 đi vào trạm biên phòng Kẻng Mỏ là 25 km đường đất, đường đá khá xấu.
Chúng tôi đi sâu vào, men theo dòng sông Đà, dưới cái nắng đỏ rực của chiều tà Lai Châu. Đến trạm Kẻng Mỏ thì trời đã khá tối, không còn kịp đi lên mốc, nên chúng tôi đã xin các anh cho nghỉ nhờ. Các anh bộ đội đã giúp đỡ chúng tôi vô cùng nhiệt tình, sắp xếp chỗ nghỉ, cơm nước rất đầy đủ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái tình quân dân nồng ấm đến như vậy.
Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng, thuộc huyện Mường Tè, Lai Châu. Nơi đây không có sóng điện thoại, điện cũng rất yếu, chỉ thắp sáng vừa đủ. Muốn bắt sóng các anh phải đi ra trạm bắt sóng vệ tinh, đặt điện thoại lên một cái giá. Đêm đấy chúng tôi đi theo các anh, tìm những vạch sóng ít ỏi liên lạc với người thân.
Tôi cảm nhận chân thực được sự thiếu thốn, khó khăn của những người lính. Ấy vậy mà các anh ai cũng lạc quan, nhiệt huyết, chẳng bao giờ nản chí hay tính toán thiệt hơn. Bầu trời sao Lai Châu đêm ấy cũng rực rỡ không kém gì Điện Biên. Chúng tôi ngồi dưới bầu trời sao ấy, kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối, văng vẳng xa xa là tiếng sông Đà, tiếng rừng núi. Những cảm xúc đêm ấy, chắc chẳng bao giờ tôi quên.
Ngày 4 : Cột mốc 17(1) và 18(2) – Pắc Ma – Pa Tần – Thành phố Lai Châu. (200 km)
Tôi, cô bạn và anh bạn đi cùng lên đường đi đến cột mốc 17 vào khoảng 7 giờ. Từ trạm biên phòng đi lên 500 m sẽ có một cây cầu treo, được ghi là Cầu treo thượng nguồn sông Đà. Cây cầu cheo leo, vắt vẻo qua dòng sông Đà cuồn cuộn giữa núi rừng hùng vĩ. Qua cầu, chúng tôi đi khoảng 6 km đường đất khá xấu để đến được mốc 17. Mốc 17(1) là đặt trên bờ suối phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa suối Nậm Náp (Nan Ma He) và Sông Đà (Li Xian Jiang), đây cũng được coi là thượng nguồn sông Đà trên nước Việt Nam. Thuộc địa phận xã Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 28/11/2004 và có tọa độ là 22.556509, 102.321886.
Chúng tôi cùng ngồi ở cột mốc, ngắm nhìn dòng sông Đà cuồn cuộn chảy vào đất nước mình mà lòng trào lên một cảm xúc khó tả. Tôi nghĩ lại về quãng đường hơn nghìn cây số, cheo leo đủ đường để đến được đây thấy cũng thật xứng đáng. Cắn miếng lương khô đầu tiên trong ngày, anh bạn đi cùng tôi đùa rằng : “Ăn sáng mà cũng tìm view chất thật, nhờ.”
Quay ngược trở lại cây cầu treo, rẽ trái đi lên khoảng 200 m, chúng tôi đến được mốc 18(2). Mốc 18(2) đặt trên bờ sông phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa sông Nậm Là (Xiao Hei Jiang) và Sông Đà (Li Xian Jiang). Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 25/12/2004 và có tọa độ là 22.567512, 102.35575.
Từ mốc ta có thể thấy sự hòa quyện tuyệt đẹp của 2 dòng sông. Rất ăn ý nhưng không hề trộn lẫn. Màu nâu của sông Đà và màu xanh của sông Nậm Là, mà cô bạn tôi nói rằng, cứ như dòng sông socola và dòng sông trà xanh.
Khoảng 10 giờ, chúng tôi trở lại trạm biên phòng, nghỉ ngơi, nói chuyện, chụp hình kỉ niệm cùng các anh rồi chuẩn bị soạn sửa lên đường.
Chúng tôi chia tay anh bạn đồng hành tình cờ, quay ngược lại Pắc Ma, đi thẳng theo hướng Mường Tè – Pa Tần, về với thành phố Lai Châu. Đêm đó chúng tôi nghỉ lại một nhà nghỉ có giá vừa phải gần trung tâm thành phố. Thành phố Lai Châu về đêm rất nhộn nhịp nhưng vẫn thoáng đãng, mát mẻ.
Ngày 5 : Thành phố Lai Châu – Mù Cang Chải – Sơn Tây – Hà Nội. (400 km)
Nguyên một ngày chúng tôi hầu như chỉ đi trên đường. Lâu lâu lại dừng nghỉ, có khi cũng dừng chỉ vì thấy cảnh đẹp quá, hoặc muốn nói chuyện với vài em nhỏ ngồi trên cầu. Đi qua Mù Cang Chải, Yên Bái không vào mùa lúa chín, không vào mùa nước đổ, nhưng vẫn thấy đẹp lạ thường.
Về đến Hà Nội lúc 6 giờ chiều, mà sao nhớ da diết cái nắng, cái gió, cái mùi vị núi đồi. Chuyến đi đã kết thúc, nhưng tôi biết rằng những kỉ niệm, những kí ức, những cảm giác tuyệt vời ấy sẽ sống mãi trong tôi. Để rồi một ngày bất chợt xem lại những bức ảnh, những chiếc video, hoặc nghe ai đó nhắc về miền xa xôi ấy, tôi có thể mỉm cười mà nghĩ rằng, mình đã có một tuổi trẻ như thế.
Một số lưu ý nhỏ nho những bạn muốn chinh phục cung cực Tây:
- Chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ (mũ bảo hiểm, găng tay, giáp..), đường đèo núi quanh co rất dễ xảy ra tai nạn.
- Đổ xăng ở những điểm Chung Chải (khu dân cư gần A Pa Chải nhất), Pắc Ma (Mường Tè) để không bị hết xăng giữa chừng. Hoặc bạn nên có một chai xăng dự phòng.
- Rèn thể lực trước khi đi. Sau một chặng đường dài thì việc leo núi sẽ mệt hơn bình thường. Bạn cần có một sức khỏe ổn để có thể theo kịp đoàn.
- Hạn chế đi đêm nhất có thể. Ở những vùng cao, đặc biệt vùng biên giới, khu dân cư rất thưa thớt, đi đêm khá nguy hiểm, hỏng xe rất khó tìm được nơi sửa.
Bài viết đã được đăng trên Traveloka vào ngày 02/01/2018. Video ở Youtube ở đây nữa nhé!
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Chúc mọi người có một hành trình cực Tây vô cùng đáng nhớ.
TLN, ngày Hà Nội sang thu.