Một sự kiện không quan trọng với người này, lại rất quan trọng với một số người khác.
Tác giả: Mark Haddon
Quốc gia: Anh
NXB Nhã Nam
Thể loại: Tiểu thuyết tâm lý
Tóm tắt: Câu chuyện dưới góc kể của cậu bé 15 tuổi Chiristopher John Francis Boone. Bắt đầu từ cái chết của con chó nhà hàng xóm, dần dẫn đến những tình tiết và sự thật bất ngờ. Được kể dưới giọng văn của cậu bé tự kỷ nhưng “dành cho người lớn”. Đằng sau đó là những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân và sự kiên nhẫn.
Cảm nhận chung: Câu chuyện mạch lạc, dẫn dắt khá cuốn hút. Cốt truyện không quá mới lạ nhưng cách kể khác biệt. Cách suy nghĩ của một đứa trẻ tự kỷ rất logic và khoa học, yêu ghét rõ ràng, để lại nhiều sự xúc động.
Suy nghĩ của một đứa trẻ tự kỷ
“Tôi nói rằng ta vẫn có thể muốn một điều gì đó rất khó xảy ra.”
“Đôi khi sự vật phức tạp đến nỗi không thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra kế tiếp, nhưng thật sự chúng chỉ tuân theo những quy tắc rất đơn giản.”
“Và mỗi khi nhìn sự vật chúng ta nghĩ mình chỉ nhìn ra ngoài con mắt của mình như khi ta nhìn ra ngoài khuôn cửa sổ nhỏ và có một người bên trong đầu chúng ta, nhưng không phải. Ấy là chúng ta đang nhìn vào một màn hình trong đầu chung ta, như màn hình máy vi tính.
“Dù sao, chòm Orion không phải là ông thợ săn hay máy pha cà phê hay con khủng long. Nó chỉ là sao Betelgeuse và sao Bellatrix và sao Alnilam và sao Rigel và 17 ngôi sao khác tôi không biết tên. Và chúng là những vụ nổ nguyên tử cách hàng triệu năm. Và đó là sự thật.”
“Một vật trở nên lý thú vì ta suy nghĩ về nó chứ không phải vì nó mới mẻ.”
Cuốn sách này giúp mình định hình rất rõ cách suy nghĩ cũng như hiểu về cách ứng xử của trẻ tự kỷ. Nếu như chúng ta nghĩ theo chiều hướng đó cũng chỉ là một dạng tính cách thì chắc hẳn mọi chuyện cũng sẽ dễ dàng hơn.
Chris có thể nhìn ra được nhiều thứ mà người khác thường bỏ qua, có trí nhớ hình ảnh tốt, khả năng suy luận và cố gắng để thoát khỏi các tình huống cậu không thích. Tuy nhiên đôi khi cậu cũng chỉ hành động theo bản năng như hét to, cầm dao.
Tình yêu thương và sự kiên nhẫn
Qua câu chuyện của Chris, ta thấy hai điều này hoàn toàn có thể không đi liền với nhau. Tự nhiên nghĩ đến câu “và chuyện yêu lại là chuyện yêu, và chuyện hiểu lại là chuyện hiểu” của Tùng trong bài “Con chim trên cành hát về tình yêu”. Lí do mẹ Chris rời đi, lý do cha Chris giấu sự thật, tất cả mọi chuyện đều có câu chuyện đằng sau. Và có lẽ ai cũng có một câu chuyện “nghe có vẻ hợp lý” của mình.
Cách thể hiện tình yêu thương của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng có lẽ là, tình yêu nào cũng cần những sự kiên nhẫn nhất định. Để tha thứ, để quên đi, để cố gắng.
Câu chuyện cũng khơi gợi ra những tổn thương mà một đứa trẻ phải chịu đựng từ những mâu thuẫn của bố mẹ. Người lớn luôn dạy trẻ con phải thành thật, nhưng chính họ mới là người nói dối. Để rồi những sự thật đó, qua thời gian, lại trở thành sự đau đớn cho tất cả mọi người.
Một số người đánh giá cao về sự hài hước trong cuốn sách, nhưng mình thì không cảm nhận được khía cạnh đó. Mình không thấy phân đoạn nào đáng bật cười cả. Mọi thứ đều có lí do, có logic. Có thể một số cách miêu tả của Chris không giống với số đông mọi người, nhất là khi cậu dùng phép so sánh.
Kết, tác phẩm này không phải là một cuốn sách dễ đọc, và nhiều người có thể không thích. Nhưng cuốn sách đã thành công trong việc khắc hoạ diễn biến tâm lý của một đứa trẻ tự kỷ. Và thông điệp cuối cùng, theo mình nghĩ, chính là nếu chúng ta chấp nhận và tinh tế hơn với cuộc sống, cuộc sống cũng sẽ dịu dàng hơn với chúng ta.
Lê Na
30/07/2021. 46 Phố Vọng, HN. 20:36 PM. 31°C.