Mình thấy hình ảnh Mikage Sakurai nằm trong căn bếp nhà bà, buồn bã, run rẩy và chân thực, giống như mình những khi ngồi ở góc ban công quen thuộc, và có lẽ là giống những giây phút cô độc nhất của tất cả mọi người.
Tác giả : Banana Yoshimoto
Quốc gia, ngôn ngữ gốc : Nhật Bản
NXB: Nhã Nam
Thể loại: Truyện tâm lý
Cuốn sách có 3 phần :
Kitchen I : Chuyện gắn với nỗi đau mất đi người bà thân thuộc của Mikage Sakurai; niềm cảm hứng của cô với căn bếp; sự tích cực cô được lan tỏa từ mẹ con nhà Yuchi Tanabe.
Trăng tròn – Kitchen II: Cái chết của cô Eriko – mẹ Tanabe, niềm vui sống le lói trong những nỗi đau tận cùng.
Bóng trăng: Tai nạn cướp mạng sống của hai người. Một cô gái mất người yêu. Một chàng trai mất anh trai lẫn người yêu. Sự gặp gỡ kỳ lạ giữa âm và dương, quyết định tiến lên của những người ở lại.
Hai truyện đều có chung một nỗi đau chính là cái chết. Những nhân vật chính- những người ở lại, quẩn quoanh trong nỗi buồn và tự tuyệt vọng, cố gắng sống những ngày sau một cách dung hòa và ổn thỏa. Dù thật sự trong tâm trí họ nhiễu loạn và đau khổ. Trong câu chuyện chính- Kitchen, mình vô cùng đồng cảm với nhân vật Mikage. Mình thấy hình ảnh Mikage Sakurai nằm trong căn bếp nhà bà, buồn bã, run rẩy và chân thực, giống như mình những khi ngồi ở góc ban công quen thuộc, và có lẽ là giống những giây phút cô độc nhất của tất cả mọi người. Vào những lúc ấy, có người uống rượu, có người đi xa, có người khóc, còn Mikage thì ở trong bếp nấu ăn và ngủ. Mình rất thích câu: “Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng chỉ còn lại một mình.”
Trong những chi tiết nhỏ và cụ thể, câu chuyện mang một màu sắc hơi u tối và nặng nề. Nhưng đặt vào khái quát, thì những điều tích cực lại sáng lên giữa sự tuyệt vọng đó. Có lẽ điều đó sẽ làm người ta nhớ đến hơn những câu chuyện vui tươi hoàn toàn. Nhân vật Eriko, người đàn ông phẫu thuật thành phụ nữ sau khi mất vợ, đã đưa lại phần tươi sáng đó.
“Nếu cuộc đời người ta không thực sự đi đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, nếu từ đó người ta không thực sự nhận ra đâu là thứ mà mình không thể vứt bỏ, thì người ta sẽ lớn lên mà chẳng hiểu niềm vui thực sự là gì cả.”- Eriko.
Nhưng khi mọi thứ có vẻ ổn thỏa, thì Eriko lại ra đi, sự um tối quay lại. Giống như một vòng lặp, và giờ thì không còn ánh sáng để bám víu giữa. 2 người trẻ tuổi và mất mát, họ sẽ làm gì để đối diện với cuộc sống?
Trong câu chuyện Bóng trăng, những hình ảnh siêu thực được miêu tả nhiều và chi tiết hơn. Tác giả nhắc đến ngày Thất tịch như một lí giải cho niềm tin để nhân vật chính nghĩ về. Dù sự mất mát và đau khổ gần như tận cùng, nhưng đến cuối, cả hai người ở lại đều có thể thấy yên bình và hiểu rằng “thời gian là thứ dòng chảy không thể nào ngăn được”.
“Số phận chính là chiếc thang không thể bỏ đi bất cứ nấc nào. Chỉ cần tháo đi một nấc trên đó, tôi sẽ chẳng thể leo đến tận cùng. Mà kỳ thực, việc tháo bớt chúng đi còn dễ dàng hơn là việc trèo qua chúng.”-Satsuki.
Mặc dù chưa đến Nhật, nhưng mình cảm thấy rất rõ tác giả đang khắc họa nên một thế hệ trẻ ở Nhật Bản cực kỳ căng thẳng về tâm lý và chồng chất nhiều nỗi đau. Một số có thể bám trụ và sống tiếp, nhưng số còn lại thì sẽ tự lọt thỏm vào một chiếc hố đen và chỉ tồn tại lay lắt những ngày tháng kế tiếp. Tình yêu, ý chí sống, niềm tin, được Banana lan tỏa một cách tinh tế và sâu sắc.
Cách kể chuyện đơn giản, theo trình tự thời gian, nhưng nhiều chi tiết ẩn ý và hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Mình nghĩ cuốn sách hợp với những người đang cảm thấy cần phục hồi niềm tin với cuộc đời sau những mất mát, hay chỉ đơn giản là tìm kiếm một sự bám víu cho riêng mình (như một căn bếp/ một dòng sông/ một sở thích như chạy bộ?)
Những nỗi đau và sự mất mát rồi một ngày cũng phải đến, điều quan trọng không phải nó có tồn tại hay không, mà là chúng ta đối diện như thế nào ?
Lê Na
25/9/2019.46 Phố Vọng, Hà Nội. 09:55 PM. 26oC.
PS: Ảnh bìa chụp trong góc bếp nhỏ xíu và lộn xộn của mình. Chẳng đủ rộng để ngủ cũng không đủ cảm hứng để nấu ăn mỗi ngày, nhưng vẫn có khá nhiều tâm tình ở đó. Gắn bó 4 năm đại học, và có lẽ cũng là góc bếp nhỏ nhất mình có trong cuộc đời, vẫn thật đặc biệt.