“Cuốn này khó hiểu quá, thử đọc giúp tao.” – Khánh nói vào một buổi chiều, khi mình đang đứng trước giá sách tìm một cuốn để đọc lại. Đúng thế thật, cuốn sách này của Nguyễn Ngọc Tư theo mình là kén đọc, khó cảm hơn những cuốn khác của nữ nhà văn. Nhưng nếu có thời gian để nhấm nháp, thấu hiểu thì sẽ thấy được những nét rất độc và hay, để lại nhiều suy nghĩ, khiến người đọc phải trăn trở.
Về cuốn sách
Tác giả : Nguyễn Ngọc Tư
Quốc gia, ngôn ngữ gốc : Việt Nam
NXB: NXB Đà Nẵng
Thể loại: Truyện ngắn tâm lý
Chủ đề : 10 câu chuyện là 10 lát cắt cuộc đời của những phận người cảm thấy vô định trong xã hội. Họ có những vấn đề riêng nhưng đến cuối cùng thì đều có chung một câu hỏi rằng “Có thể cố định một đám mây hay không?”, giống như cuộc đời họ rồi có thôi mông lung, trôi nổi giữa thế giới này.
Những điều mình cảm nhận
1. Sự hoà quyện thực – ảo
Ngay ở cái tên, người đọc đã có ấn tượng bởi sự “lâng lâng” bao phủ toàn cuốn sách. Cố định một đám mây – một điều hẳn nhiên là vô lý ở thực tại, nhưng lại có lý ở trong hư ảo. Trong không gian hư vô đó, người ta có thể làm, có thể nghĩ tất cả những điều mình muốn, chẳng màng đến việc có thể trở thành hiện thực hay không.
Trong những truyện ngắn ấy, đôi khi bạn sẽ không thể biết được rằng nhân vật, hay chính bạn đang ở trong thực tại, hay ảo giác. Vì hai điều đó sẽ được đan xen vào nhau và việc nhận biết có lẽ cũng không còn quá quan trọng nữa. Mạch kể phong phú, có thể dựa theo dòng thời gian hoặc ngược về quá khứ, cũng có thể là những diễn biến trong đầu nhân vật chính. Có những truyện mà phải đến lúc kết thúc, bạn mới biết được rằng tất cả chỉ là những điều không có thật.
“Từ khi linh ái nở, mơ và thực khiến mình tiều tuỵ, bởi không thể phân biệt được mình đang đổi gác đây là trong mơ hay ngoài đời. Mùi linh ái ăn rễ vào thần kinh, làm cho những giấc mơ mình còn thực hơn khi tỉnh thức. Điều đó có nghĩa, nếu trong mơ bị một bà điên tát vào mặt, thì cảm giác đau rát má sâu sắc đến nỗi mình ứa nước mắt ra.”
Khi linh ái nở, T.70
Một phong cách rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư cũng được tìm thấy ở cuốn “Cố định những đám mây”, đó là đừng hy vọng bạn sẽ cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc khi làm quen với những nhân vật. Bởi những số phận đó thường vô cùng khác lạ, đến mức oái ăm.
Đó là câu chuyện về người phụ nữ vẫn tin rằng chồng mình sẽ trở về sau khi mất tích ở biển, về người sống trong rạp xiếc với sở thích lang thang mỗi đêm, về sự bám víu vào cuộc sống nơi nghĩa địa, về đứa trẻ đi tìm ông bán thuốc chữa ghẻ đến hàng chục năm trời,… Những số phận kỳ lạ ấy khiến người đọc phải ngẫm nghĩ rằng, cuộc đời dài rộng này, có lẽ những người như vậy, thật sự có tồn tại ở đâu đó.
Câu chuyện duy nhất là mình thấy rằng có một phần bản thân của mình là “Chớp mắt mịt mù”, nơi mà cô gái đã bỏ đi khỏi đám cưới để đi miệt mài, cứ gặp đèn đỏ thì rẽ phải, không xác định điểm đến. Dù mình không có ý định bỏ trốn khỏi đám cưới, đi mãi đi mãi như thế, nhưng mình cũng đã từng lang thang vô định với những quy ước ngầm rằng gặp điều gì thì đi tiếp như thế nào. Chặng đường đó khiến mình không lường trước những điều sẽ đến, cứ mở lòng đón nhận tất cả.
2. Những ước mơ mãnh liệt
Có lẽ bởi vì thực tại oái ăm và kỳ lạ như vậy, nên những nhân vật vẫn tự xây lên những giấc mơ để trốn vào đấy. Hơn hết, họ nhận thức rằng chỉ có mình mới giải thoát được cho chính bản thân.
“Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền giơ bàn tay đói ra, săm soi từng vết chai, bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc.”
Cố định một đám mây, T59.
Những giấc mơ được nuôi dưỡng âm thầm, hoặc vụt qua thoáng chốc. Nhưng tất cả đều mang theo nỗi trăn trở khó diễn tả thành lời. Đôi người sẽ muốn tác giả “giản dị lại”, “không bôi tâm lý ra khỏi từ ngữ” ( ý kiến từ trang bình luận goodreads.com). Từ ngữ địa phương được tác giả sử dụng khá nhiều, đôi khi khiến người đọc hơi khó hiểu. Những nét làng quê được khắc hoạ sâu, có lẽ sẽ khiến những người trẻ trong thế hệ mới thấy xa lạ, hoặc thích thú khi có cái nhìn mới về những điều xưa cũ.
Một điều mình rất thích nữa ở cuốn sách là cái kết mở, khiến mình có thể nghĩ về cái kết cho nhân vật mà mình muốn. Mình sẽ để anh lính cho nổ cây cầu ra đảo tiếp tục những giấc mơ của mình, để người con trai chuyển giới gặp lại đứa cháu trong những hoàn cảnh khác,… Mình không áp đặt rằng cái kết đó phải viên mãn hay hạnh phúc, chỉ là mình muốn nghĩ về những cái kết đó như một điều tốt đẹp cho những số phận vô định như những đám mây. Cho dù rằng, việc gắng gượng để cố định một đám mây sẽ làm cho họ không còn là chính họ nữa, mà sẽ trở thành một cá thể khác.
Mình thấy cách kể của tác giả không thừa, không thiếu. Cuốn sách khiến mình đọc mất một tuần, bởi cứ muốn lật lại, để hiểu hơn tại sao lại diễn biến thành như vậy. Điều duy nhất mình không thích là đôi khi những gánh nặng trong suy tư nhân vật khiến mình cảm thấy khá nặng nề và mệt mỏi. Không đem lại sự tích cực. Tuy nhiên chỉ là trong một vài câu chuyện, không phải tất cả. Như đã nói ở trên, sau cùng mình sẽ tự nghĩ ra một cái kết, để có thể tự đem lại sự tích cực đó cho bản thân.
Cuốn sách hợp với những người muốn có cái nhìn khác về những mảnh đời kỳ lạ, tìm tòi sâu vào những diễn biến tâm lý của nhân vật. Hãy tự mình đọc và cảm nhận về những mảnh đời trong tác phẩm, viết nên những cái kết theo cách nghĩ của bạn, xem rằng liệu bạn có đồng ý với quan điểm của mình không nhé.
Đám mây của bạn là gì ? Bạn có muốn cố định nó không ?
Lê Na
19/10/2019. All day coffee, Hà Nội. 13:50 PM. 26oC.